'Biến đất thành cơm', người thương binh cần cù giúp hàng chục gia đình CCB ổn định cuộc sống
Sáng ngời chất lính giữa thời bình, bản lĩnh kiên cường, vượt qua nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Sáu đã thành công với nhà máy sản xuất gạch tuynel, tạo công việc cho gần 40 lao động là thân nhân cựu chiến binh.
Nhìn nhà máy gạch rộng 19.000m2, doanh thu mỗi năm hơn 6 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1960, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ít ai biết công ty này từng đứng bên bờ vực phá sản vì sản phẩm không tiêu thụ được.
Thất bại những ngày đầu, người cựu chiến binh (CCB) kiên cường ngược xuôi vào Nam ra Bắc, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi để về vực dậy doanh nghiệp của mình.
Công ty của ông Sáu tạo việc làm cho hàng chục lao động là thân nhân cựu chiến binh. |
Chia sẻ với PV sau một vòng giới thiệu về nhà máy gạch, ông Sáu kể lại, năm 1978, ông thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng; hưởng ứng cuộc tổng động viên, ông cùng anh trai tình nguyện đăng ký tham gia bộ đội. Cũng tháng 10 năm ấy, ông được điều động vào chiến trường Đông Bắc Campuchia chiến đấu với quân phản động Pôn-pốt rồi bị thương nặng.
“Là tân binh nên chúng tôi vừa chiến đấu vừa huấn luyện, có những ngày đánh 4-5 trận. Bị thương từ chiến trường ấy, nhiều mảnh đạn được gắp ra khỏi người tôi nhưng vẫn còn một mảnh nằm trong đầu", ông Sáu nói.
Do bị thương, tháng 4/1981, ông rời quân ngũ với chứng nhận thương binh hạng 3/4.
Năm 1985, ông Sáu được nhà nước cho đi học trường trung cấp Thương mại Trung ương 2 ở Đà Nẵng. Sau 2 năm theo học, được biên chế vào công ty thực phẩm nhưng ông Sáu từ chối, ông về quê gom vốn mở xưởng mộc, xưởng cưa sản xuất đồ trang trí nội thất. Công việc này mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập khá lớn.
Sau gần 20 năm xưởng mộc đi vào hoạt động, khi có quy định cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên; vật liệu khan hiếm nên xưởng của ông phải đóng cửa. Tìm hiểu nhu cầu vật liệu xây dựng trên thị trường, năm 2006, ông Sáu quyết định đầu tư nhà máy sản xuất gạch tuynel với vốn đầu tư 14 tỷ đồng.
“Tôi và một người bạn góp được 8 tỷ, số tiền còn lại phải cầm cố tài sản để vay ngân hàng. Lúc mới bắt tay vào làm, vợ con, bạn bè ngăn cản bởi nhà máy có vốn đầu tư quá lớn. Nhiều người khuyên tôi dừng lại nếu không sẽ lâm cảnh trắng tay, nợ nần”, ông Sáu kể về quyết định thành lập nhà máy đầy táo bạo, liều lĩnh; những ngày đầu chồng chất khó khăn, thất bại, giọng không giấu nổi sự xúc động.
Thị trường tiêu thụ gạch rộng lớn, tuy nhiên, thời gian đầu, công ty của ông nhiều lần đứng trước bờ vực phá sản vì chất lượng gạch kém, không bán được. Người lính kiên cường quyết không bỏ cuộc, tiếp tục đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm.
“Để có vốn duy trì nhà máy, tôi tiếp tục vay mượn ngân hàng. Sau gần 2 năm, sản phẩm gạch ra lò đã đáp ứng nhu cầu của thị trường và công ty ngày càng phát triển”, ông Sáu bộc bạch.
Mỗi năm, công ty gạch của của ông Sáu thu về 6 tỷ đồng. |
Hiện nay, nhà máy gạch của ông Nguyễn Văn Sáu có công suất 40.000 viên gạch/ngày, giải quyết việc làm cho 65 công nhân, trong đó có 37 lao động là vợ, con của CCB. Với doanh thu mỗi năm hơn 6 tỷ đồng, công ty của ông Sáu nộp ngân sách nhà nước 600 triệu đồng/năm; đảm bảo mức lương tối thiểu của công nhân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
“Phần lớn công nhân làm việc ở Công ty anh Sáu là vợ, con của các CCB. Anh rất thân thiết, gần gũi, thường xuyên thăm hỏi và động viên công nhân. Từ ngày vào đây làm việc, tôi có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình dần khá hơn, các con được ăn học đến nơi đến chốn”, bà Nguyễn Thị Nga (vợ của một CCB) tâm sự.
Ngoài là Giám đốc, ông Sáu thường xuyên cùng với Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam đi tìm hài cốt các liệt sĩ, đồng đội đã hi sinh đưa về quê nhà an táng.
Sơn Tùng