Tháng 7 trên mảnh đất lịch sử Điện Biên
Tháng 7 tri ân, những dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha anh.
Những ngày này, tại các Nghĩa trang Liệt sĩ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) tấp nập dòng người từ khắp mọi miền của Tổ quốc về dâng hương tưởng niệm, tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7.
Mỗi người đều thể hiện sự thành kính, biết ơn các anh hùng đã ngã xuống giành lại độc lập, tự do hòa bình cho dân tộc như ngày nay.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) những ngày này dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha anh. |
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) những ngày này không lúc nào ngớt vọng tiếng chuông. Nghĩa trang có tổng cộng 644 ngôi mộ, nhưng số bia ghi rõ tên tuổi, quê quán, đơn vị chiến đấu, ngày hy sinh của các liệt sĩ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều đó vừa thể hiện sự ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ vừa thể hiện nỗi đau mất mát của thân nhân các gia đình liệt sĩ khi đến nay những dòng tên của người thân mình vẫn chưa xác định được.
Những nén nhang được thắp cho từng phần mộ, trong không khí trang nghiêm, ai ai cũng dành cho mình một phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ về công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh cả máu xương giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Cô giáo Lường Thị Xuyến, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đến dâng hương tại đây chia sẻ: Mỗi lần đến thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ là một lần bản thân thấy có thêm động lực để phấn đấu trong cuộc sống, công việc, từ đó quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước.
"Năm nào tôi cũng đến và mỗi một lần đến thì tôi lại rất xúc động, dâng trào cảm xúc. Cũng là một người người con của mảnh đất lịch sử, biết được lịch sử của đất nước Việt Nam mình đã trải qua một thời gian rất dài để đấu tranh dựng nước và giữ nước, có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay thì tôi luôn luôn xác định bản thân mình phải cố gắng sống hết mình, cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người thế hệ đi sau, truyền lửa đến thế hệ đi sau nữa để mọi người đều biết đến sự hy sinh cao cả của rất nhiều anh hùng ở đây", cô Xuyến nói.
Cùng trong tâm trạng xúc động, ông Nguyễn Như Màu, người dân phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ nói: "Hàng năm, trong tổ dân phố đều tổ chức cho nhân dân và các cháu đi thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Để cho các cháu ghi nhớ được những chiến tích và những sự hi sinh, mất mát, nhớ ơn các anh hùng đã ngã xuống, giữ lại nền độc lập cho dân tộc mình, để các cháu hiểu được lịch sử, hiểu được sự hi sinh to lớn của cha ông để giành cho các cháu những ngày hạnh phúc như hôm nay".
Tại Điện Biên có 5 Nghĩa trang Liệt sĩ là: A1, Him Lam, Tông Khao, Độc Lập và Nghĩa trang Thanh niên xung phong, là nơi yên nghỉ của hơn 6.000 phần mộ liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, hi sinh khi tham gia kháng chiến làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và trong xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Phần đa đến nay các ngôi mộ đều chưa xác định được rõ danh tính.
Trong dòng người tấp nập về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn những ngày này không chỉ có các cựu chiến binh đến thắp hương tưởng nhớ đồng đội, mà còn có cả những thân nhân gia đình liệt sĩ vẫn cần mẫn, khắc khoải từng ngày đi tìm thông tin người thân của mình. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn hiển hiện còn đó trong từng ánh mắt của những người ở lại. Điều duy nhất giúp họ ấm lòng lại là biết rằng không phải chỉ trong mỗi tháng 7 tri ân mà mỗi ngày từng phần mộ ở nơi đây vẫn đều được quan tâm, chăm sóc, ấm hương thơm cho các liệt sĩ.
Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, quân nhân nghỉ hưu sống trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ nói: "Mỗi lần nhìn thấy những tấm bia mộ liệt sĩ của các anh hùng đã hi sinh không có tên tuổi tôi luôn luôn áy náy trong trái tim mình, thương nhớ về các đồng đội đã hi sinh mà bây giờ tấm bia lại không có tên tuổi. Hôm nay về đây để thắp nén tâm hương, trong không khí cả đất nước, cả dân tộc luôn luôn hướng về các nghĩa trang, hướng về các anh hùng đã hi sinh cho dân tộc".
Tháng 7 - tháng tri ân về trên khắp mọi miền Tổ quốc là khoảng thời gian để các thế hệ thể hiện truyền thống, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, gửi lời tri ân sâu sắc tới những hi sinh, cống hiến của các liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách. Với Điện Biên, mảnh đất ghi nhiều dấu ấn về sự hi sinh, mất mát, nơi an nghỉ của hàng vạn liệt sĩ, những ngày tháng 7 này mong sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những tấm lòng tri ân, để mỗi người dân nói chung, các thế hệ trẻ nói riêng, sẽ luôn vinh dự, tự hào về lịch sử dân tộc, về mảnh đất anh hùng, tin tưởng, đoàn kết và chung sức, đồng lòng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước.
Theo vov.vn