Bí mật nâng cấp vũ khí của Hải quân VN trận đánh tàu USS Maddox
Trước âm mưu, hành động của Đế quốc Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam, để bảo đảm cho Hải quân phát huy sức mạnh của các lực lượng hiện có, tạo sự thay đổi một bước cơ bản về qui mô, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 3-1-1964 Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân, thay Cục Hải quân trước đây. Ngày 16-1-1964, Đảng ủy Hải quân ra Nghị quyết về tình hình nhiệm vụ năm 1964, trong đó xác định “tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với trường hợp địch tấn công qui mô lớn ra miền Bắc và hoàn thành mọi nhiệm vụ chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày kỹ thuật ở Lữ đoàn 170 Vùng 1 Hải quân. Ảnh : DUY ĐÔNG |
Ngành kỹ thuật đã chủ động trước một bước
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân, Ngành Kỹ thuật Hải quân mà nòng cốt là phòng sửa chữa tàu, Phòng quân giới, Xưởng 46 và lực lượng Trạm kỹ thuật Bãi Cháy khẩn chương tổ chức thay thế lắp đặt vũ khí mới cho các tầu tuần tiễu 79 tấn K210-A. Cụ thể đã thay thế pháo 40mm, 20mm một nòng đã cũ, lạc hậu bằng pháo 37mm hai nòng và súng mới 14,5mm hai nòng có tốc độ bắn nhanh và chính xác hơn; lắp pháo bắn thẳng DKZ-82 ở phía sau đài chỉ huy để bắn địch ở cự ly gần, lắp thêm giá bom chìm cùng cơ cấu điều khiển thả bom chìm; cải tạo toàn bộ khoang đạn, bom chìm, giá nâng đạn, hệ thống làm mát nòng pháo...
Mặc dù tiến hành sửa chữa trong điều kiện dã chiến với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, lực lượng kỹ thuật Hải quân phải làm 3 ca liên tục, không quản ngày đêm. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến tháng 7 năm 1964, hai phần ba số tàu tuần tiễu của Quân chủng đã được thay thế, lắp vũ khí, trang bị hoàn chỉnh. Số tàu này vừa đảm bảo tính năng kỹ thuật, bảo đảm khả năng chiến đấu, nhất là chiến đấu phòng không trong hoạt động tuần tiễu độc lập trên biển.
Trước tình hình địch tăng cường hoạt động trên Vịnh Bắc bộ, cuối tháng 6 năm 1964, Bộ Tư lệnh hải quân ra lệnh tiến hành lắp ngư lôi cho 3 tàu của Phân đội 3 Tiểu đoàn 135. Các đồng chí nghiệp vụ trưởng, ngành trưởng Phòng Quân giới, Phòng sửa chữa tàu trực tiếp xuống các tàu, hướng dẫn lắp ngư lôi trên tàu, huấn luyện bổ sung cho bộ đội. Sau đó theo tàu vào Lạch Trường, Thanh Hóa chuẩn bị cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đánh đuổi tàu Mỹ-ngụy xâm nhập vào vùng biển miền Bắc.
Vũ khí trang bị kỹ thuật luôn được đảm bảo tốt cho thực hiện các nhiệm vụ. Ảnh DUY ĐÔNG |
Ngày 6-7-1964, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển Quân chủng sang trạng thái thời chiến. Các tàu tuần tiễu được tăng cường, điều động vào phía Nam. Các tàu phóng lôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị pháo bờ biển báo động chiến đấu cấp II. Trưa ngày 2-8-1964, các tàu thuộc Phân đội 3, Đoàn 135 đã xuất kích đánh đuổi tàu Ma-đốc (USS Maddox) của đế quốc Mỹ khỏi hải phận miền Bắc, bắn rơi một máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác. Tiếp đó ngày 5-8-1964, các tàu Hải quân phối hợp với các lực lượng phòng không, dân quân tự vệ và nhân dân anh dũng đánh trả các đợt không kích của máy bay địch. Tổng cộng quân dân ta đã bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, lập lên chiến công oanh liệt đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ba bài học kinh nghiệm
Trong chiến công rất đáng tự hào của Quân chủng Hải quân, có sự đóng góp thầm lặng, nhưng vô cùng quan trọng của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Kỹ thuật Hải quân. Đặc biêt, chiến thắng này đã để lại những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng như sau:
Thực hành sửa chữa thiết bị máy tàu tại Nhà máy X48 ( Cục Kỹ thuật Hải quân). Ảnh DUYĐÔNG |
Thứ nhất, chiến thắng trận đầu là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, mưu trí, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, tinh thần quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân ta mà lực lượng Hải quân đóng vai trò nòng cốt. Ngành Kỹ thuật Hải quân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhanh chóng làm chủ trang bị kỹ thuật mới được tiếp nhận; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng, thay lắp vũ khí cho tàu thuyền, chuẩn bị tốt nhất VKTBKT để các lực lượng Hải quân sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Thứ hai, chiến thắng này là bài học về công tác tổ chức, xây dựng lực lượng kỹ thuật trong điều kiện cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn giỏi về chuyên ngành vũ khí, thủy lôi còn rất thiếu. Ta chủ động đề nghị chuyên gia Liên Xô giúp đỡ và huy động nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật dân sự tăng cường cho Hải quân.
Thứ ba, để đối đầu với máy bay, tàu chiến hiện đại của đế quốc Mỹ, việc nghiên cứu, cải tiến vũ khí trang bị theo cách đánh, nghệ thuật quân sự và khả năng trang bị của Hải quân nhân dân Việt Nam là yếu tố có tính then chốt. Ta đã chủ động sửa chữa kịp thời tàu thuyền và chủ động nghiên cứu, thay thế và lắp thêm hệ thống vũ khí trên các tàu tuần tiễu tàu phóng lôi đã góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tính năng kỹ, chiến thuật trong chiến đấu trong điều kiện so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch vô cùng chênh lệch.
Hiện đại hóa 5 binh chủng cơ bản của Hải quânHiện tại, tình hình biển đảo diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Quân chủng Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật. Vì vậy, phát huy truyền thống bảo đảm kỹ thuật đánh thắng trận đầu, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng lực lượng, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển đầy đủ kịp thời, đồng bộ, hiện đại hóa 5 binh chủng cơ bản của Hải quân gồm: Tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; tên lửa bờ, pháo bờ biển; đặc công Hải quân và Hải quân đánh bộ. Chủ động qui hoạch, xây dựng cơ cấu ngành kỹ thuật theo hướng tinh gọn, thống nhất từ trên xuống dưới. Thực hiện đột phá vào việc mua sắm, đóng mới một số loại tàu chiến đấu loại lớn, hiện đại; hiện đại hóa hệ thống rađa, hệ thống thông tin liên lạc.
Thứ hai, hiện đại hóa nguồn nhân lực cũng hết sức quan trọng. Do vậy, cần phải đi trước một bước việc tuyển chọn nguồn và huấn luyện, đào tạo, rèn luyện những thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng sử dụng thành thạo, hiệu quả các loại trang bị, vũ khí hiện đại trong điều kiện phức tạp. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan, cán bộ kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp của các Nhà trường Quân đội, đặc biệt là của Học viện Hải quân và Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Ngoài ra cần tiếp tục chú trọng, chọn, gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài để nhanh chóng tiếp thu trình độ khoa học tiên tiến của thế giới, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Thứ ba, để có thể tiến hành tác chiến trên biển một cách hiệu quả thì bên cạnh vai trò của chỉ đạo, điều hành tác chiến còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng tác chiến và công tác bảo đảm cho tác chiến. Vì vậy, cần phải chú trọng việc nghiên cứu các mặt bảo đảm cho hoạt động tác chiến trên biển cho các lực lượng Hải quân phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật mới và với thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Đặc biệt, đối với các lực lượng tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; thực hiện tốt chiến thuật sơ tán, phòng tránh đánh trả, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, bảo đảm sức người, sức của trong điều liện đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự mạnh, có vũ khí, trang bị tiên tiến với độ chính xác cao, tính sát thương lớn. Ngoài ra cần đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện thực tế và cách đánh của Hải quân trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Đại tá, Ths HOÀNG HỒNG HÀ - Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân
Theo Quân đội nhân dân
(Tựa bài do Infonet đặt lại)