Bi kịch của quý tử nhà giàu khi mẹ kỳ vọng, áp đặt thái quá
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên thành đạt nên luôn đặt kỳ vọng vào con cái. Trong một số trường hợp, sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ đã vô tình tạo áp lực đẩy con vào bế tắc.
Sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là những người thành đạt, chị Ngân tự khoác lên mình chiếc áo của sự hoàn hảo khi thành tích học tập luôn đứng đầu. Lớn lên chị đỗ thủ khoa một trường đại học và cứ thế có một công việc ổn định với thu nhập cao.
28 tuổi, chị Ngân kết hôn với con trai một gia đình trâm anh thế phiệt. Vợ chồng chị được bố mẹ cho tiền mua hẳn biệt thự hàng chục tỷ đồng sau khi sinh một bé trai vô cùng đáng yêu.
Chị Ngân là người theo chủ nghĩa cầu toàn, với chị cái gì cũng cần phải xuất sắc, phải là số 1. Chị yêu cầu cao với người giúp việc khi nhà cửa lúc nào cũng phải sạch sẽ tinh tươm, mọi thứ ngăn nắp như khách sạn... Chị cũng đặt mọi niềm hi vọng, mơ ước vào đứa con trai.
Nếu nhìn bên ngoài thì sẽ thấy Kiên - con trai chị Ngân là một học sinh hoàn hảo khi được bố mẹ yêu thương hết mực, xe ô tô đưa đón tại cổng trường mỗi ngày.
Kiên học rất giỏi, kỳ thi nào cậu cũng đứng đầu. Những kỳ thi lớn như thi học sinh giỏi cấp thành phố hay tham gia thi quốc tế cậu cũng giành thứ hạng cao.
Không chỉ thế, Kiên còn giỏi cả đàn piano và vẽ. Chị Ngân muốn bồi dưỡng con trai thành một người hoàn hảo trên nhiều lĩnh vực mà trước đây chị chưa có cơ hội tỏa sáng.
Thế nhưng, bản thân Kiên lại cảm thấy mình thật bất hạnh và khổ sở vì những kỳ vọng thái quá của mẹ. Mỗi kỳ thi, nếu Kiên không đứng đầu thì về nhà liên tục bị mẹ mắng mỏ, trách phạt.
Ảnh minh họa |
Để làm vừa lòng mẹ, cậu phải gồng mình hết sức cho các kỳ thi. Chỉ cần không đạt kết quả đứng đầu, ngay lập tức sự sợ hãi xâm chiếm Kiên bởi cậu sợ phải đối diện với sự thất vọng của mẹ.
Bố thì chỉ nghĩ kiếm thật nhiều tiền để cho Kiên một cuộc sống "thiếu gia" nhà giàu. Đôi khi Kiên muốn tâm sự với bố một chút về những lựa chọn của mình trên con đường học tập nhưng bố luôn bận.
Vì dành quá nhiều thời gian cho học tập nên Kiên không có người bạn thân thiết nào, cậu trở nên cô đơn trong chính gia đình mình. Tình trạng kéo dài khiến cậu rơi vào trạng thái mệt mỏi, học tập sa sút, sợ hãi đối diện với mẹ.
Trong lần làm bài kiểm tra cuối kỳ lớp 11, Kiên được 8 điểm, không đạt điểm tối đa như những lần trước. Với tinh thần mệt mỏi, tâm lý lo sợ những lời trách mắng của mẹ, Kiên đã uống thuốc ngủ kết thúc sinh mệnh mình trong một chiều cuối tuần.
Từ đó tới nay đã 3 năm nhưng chị Ngân vẫn ôm nỗi dằn vặt, ân hận tận tâm can.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội), nhiều cha mẹ nghĩ rằng cho con đủ đầy về vật chất là con sẽ hạnh phúc nhưng không biết cái con mình cần là sự quan tâm, yêu thương.
“Cha mẹ cho con đi học thêm rất nhiều kỹ năng nhưng lại quên trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc giáo dục con. Đứa trẻ như những con chim non không có khả năng tự bảo vệ. Thế nhưng, đến những người yêu thương, gần gũi con nhất như bố mẹ còn áp đặt thái quá làm con tổn thương thì con biết dựa vào đâu để tiếp tục sống và cố gắng?
Sự kỳ vọng lớn của bố mẹ khiến đứa trẻ vô cùng áp lực khi phải sống, phải cố gắng với những thứ mà không phải sở thích hay đam mê của bản thân.
Điều này tạo nên những đứa trẻ thiếu tự tin, không có kỹ năng vượt qua áp lực và chọn cách kết liễu cuộc đời” - chị Nguyễn Phương Anh nói.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh, không ít những đứa trẻ sống trong sự bao bọc của cha mẹ, học giỏi nhưng học xong đại học và đi làm thì thất bại ngay lập tức vì chỉ giỏi lý thuyết mà không có kỹ năng sống.
“Nếu con có những sở thích không hợp lý, bố mẹ có thể khuyên nhủ, định hướng cho con nhận ra để bản thân chúng tự đặt mục tiêu và nỗ lực với mục tiêu của mình.
Nhiều cha mẹ không hiểu rằng kỳ vọng tốt nhất là cho con tự đặt mục tiêu cho chính mình để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích.
Đừng bắt con phải sống một cuộc đời hoàn hảo để thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ, cuộc đời là của các con, hãy cho các con được quyền lựa chọn và cháy hết mình với sở thích của con”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.
Cảnh phim “thần đồng” 17 tuổi tự tử gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc bố mẹ
Bi kịch đỉnh điểm khi “thần đồng” 17 tuổi tự tử vì kỳ vọng của mẹ quá lớn trong phim “Hãy nói lời yêu”.
Hoàng Thanh