'Bếp Thạch Sanh' tặng hàng trăm suất cơm mỗi ngày tới người khó khăn và tuyến đầu chống dịch
Ngày đầu tiên, ''Bếp Thạch Sanh'' gửi tặng 332 suất ăn cho lực lượng y tế, chốt trực và các bệnh nhân, người nhà tại “xóm chạy thận” ở quận Hai Bà Trưng. Dự kiến, số lượng sẽ tăng lên 1.000 suất/ngày để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
“Bếp Thạch Sanh” được vận hành nhờ nguồn đóng góp bằng tiền, thực phẩm, hiện vật đấu giá của các cá nhân, tổ chức trên cả nước thông qua Food Banks Vietnam.
Những suất ăn 0 đồng của chương trình "Bếp Thạch Sanh" đến với lực lượng tuyến đầu chống dịch trong ngày 5/9. |
“Bếp Thạch Sanh” được tổ chức, tặng những bữa ăn đủ dinh dưỡng, nhằm động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch. Khởi đầu chương trình, chúng tôi đang triển khai tại quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng. Mong muốn có thể mở rộng hoạt động trong thời gian tới,” ông Nguyễn Văn Tuyền, đại diện nói bếp Thạch Sanh nói.
Giữa bối cảnh khó khăn của đại dịch, những suất ăn ý nghĩa này sẽ tiếp sức lực lượng tuyến đầu an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đối với những người lao động mất việc làm, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, những bữa ăn đủ dinh dưỡng góp phần giúp họ vững tin và vươn lên trong cuộc sống.
Khu vực chế biến các suất ăn của "Bếp Thạch Sanh". |
Trước đó, trong các ngày từ 31/8 đến 04/9, đã có 300 sinh viên của Học viên Tài chính, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghiệp được trao tặng 300 suất quà trong gói "Quỹ tín dụng yêu thương" từ mạng lưới thiện nguyện Food Banks Vietnam. Gói hỗ trợ bao gồm: 3 tấn gạo, 2.100 quả trứng, 300 hộp ruốc thịt, 300 hộp muối vừng và 15.000 chiếc khẩu trang.
Ngoài ra, chương trình cũng đang triển khai kết nối những cá nhân, tổ chức có những chiếc máy tính cũ còn sử dụng tốt để tặng cho các em học sinh nghèo học trực tuyến với tên gọi “Máy tính cho em”.
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách kéo dài để chống dịch, hàng nghìn sinh viên của trường bị kẹt lại TP Hà Nội, không thể về quê cùng gia đình. Các em đã gặp phải rất nhiều khó khăn do thiếu thốn về thực phẩm, tài chính, các đồ dùng thiết yếu hàng ngày. Trong hoàn cảnh cấp bách, Nhà trường đã huy động các nguồn lực sẵn có để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các đơn vị đối tác, các nhà hảo tâm, mạng lưới cựu sinh viên nhằm có thêm nguồn lực về vật chất cũng như tinh thần hỗ trợ các em”.
Tuân Nguyễn