Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật nối hai chân đứt lìa cho ngư dân
Bàn chân của anh S trước khi phẫu thuật |
Bệnh nhân là anh N.V.S, 28 tuổi, quê ở Quảng Cư, Thanh Hoá. Tai nạn hy hữu trên xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng ngày 16/3, khi anh S đang đánh cá ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, gần đảo Bạch Long Vĩ.
Người nhà bệnh nhân kể lại, trong lúc cùng 2 người khác kéo mẻ lưới lên thì không may dây tời tuột; với sức nặng khoảng 2,5 tấn lưới cộng lực chảy xiết của nước, dây trôi với tốc độ chóng mặt rồi quấn xiết vào 2 cổ chân khiến anh Sỹ bị treo ngược lên đỉnh tời và sau đó rơi xuống thuyền. Hậu quả là anh S. bị nghiến đứt rời cổ chân trái và nửa bàn chân phải.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, bạn thuyền đã vội vã lấy chăn băng kín 2 chân anh S. để cầm máu, phần chi đứt rời được vào thùng nước khoáng và bỏ đá vào. Ngay lập tức, thuyền chuyển hướng đưa anh Sỹ tới Bạch Long Vĩ.
Tại đây, anh được sơ cứu băng ép, cầm máu mỏm cụt, tiêm giảm đau và rồi tiếp tục được đưa đảo Cát Bà và cập bến tại Hải Phòng để chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Theo TS. BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức các bác sĩ đã khẩn trương bảo quản lại phần bàn chân đứt rời đã bị bỏng lạnh vì tiếp xúc trực tiếp với đá quá lâu. Hơn nữa, tất cả tổ chức gân, cơ, da, xương... bị nghiến nát và phần chi đứt rời bị thiếu máu quá lâu. Tổng thời gian từ khi phần chi bị đứt rời đến khi được nối ghép xong mạch máu tới 18 tiếng.
Với tổn thương nặng và thời gian thiếu máu quá dài như vậy, nguy cơ thất bại rất cao khi tiến hành khâu nối cứu sống bàn chân. Tuy nhiên, bệnh nhân còn trẻ, lại bị đứt rời cả hai bên chân nên bệnh viện đã huy động các kíp trực, kíp chấn thương chỉnh hình và tạo hình vi phẫu cùng tiến hành cấp cứu ngay lập tức cho bệnh nhân.
Ca mổ gồm 4 kíp phẫu thuật gồm 2 kíp làm về xương và 2 kíp làm về vi phẫu ở 2 bên chân để rút ngắn thời gian mong cứu sống đôi bàn chân của bệnh nhân.
Sau mổ, bàn chân trái phù nề nhưng ổn, tuy nhiên, nửa bàn chân phải có dấu hiệu thiếu máu, máu không lên được phần đầu ngón. Các bác sĩ bắt buộc phải tháo bỏ phần chân này; đồng thời hội chẩn để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Cụ thể, thay vì cắt tiếp bàn chân của bệnh nhân lên cao để đóng phần xương bị lộ ra sau khi tháo bỏ nửa bàn chân phải, các bác sĩ đã lấy một vạt da vùng lân cận đắp vào phần mỏm cụt hở để giữ tối đa chiều dài chân cho bệnh nhân. Như vậy, bệnh nhân vẫn có thể đi lại trên gót chân.
Sau ghép miếng da này đã sống tốt, không bị hoại tử. Tuy nhiên, chân trái lại phù vẫn nề rất to, bác sĩ rất lo ngại về nguy cơ giống chân phải tái diễn. Vậy nên, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc rất kỹ, cho dùng chống đông, giảm phù nề, truyền dịch.
Sau gần 1 tháng phẫu thuật với sự chăm sóc sát của các bác sĩ, bàn chân trái được ghép đã sống, hồng ấm; mảnh da che phủ phần xương hở bên phải cũng sống tốt, không bị hoại tử. Bác sĩ hy vọng sau khi tập phục hồi chức năng, bệnh nhân vẫn có thể đi lại, chân bên phải còn phần gót và nửa chân liền với gót, chiều dài hai chân gần như bằng nhau.