Bệnh viện tất bật lo cho người bệnh ngày Tết
Những bệnh nhân ở lại ăn tết sẽ được Bệnh viện bố trí trao quà Tết |
Bố trí người trực, động viên bệnh nhân
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện đầu ngành ngoại khoa tuyến cuối nên trong những dịp lễ Tết, nơi đây trở thành “chảo lửa”, liên tục tiếp nhận bệnh nhân do tai nạn giao thông, đánh nhau.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết cổ truyền, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại bệnh viện thường tăng 20%-30% so với ngày thường.
Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có khoảng 500 bệnh nhân ăn tết tại bệnh viện.
Để đảm bảo công tác khám, cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã phân công kế hoạch trực cụ thể đến từng khoa, phòng theo 4 cấp, gồm: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; thường trực lâm sàng; thường trực cận lâm sàng và trực hành chính, bảo vệ.
Đồng thời, bệnh viện cũng duy trì hoạt động của đội cấp cứu ngoại viện, quán triệt tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu.
Đặc biệt, bệnh viện thường tiếp nhận các ca bệnh nặng nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bất kỳ thời điểm nào.
Trong những ngày nghỉ tết sẽ có khoảng 400 cán bộ nhân viên, trong đó có khoảng 30 bác sĩ trực tại bệnh viện và 5 phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng.
Cùng với chuẩn bị về chuyên môn để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị, bệnh viện cũng dành hàng trăm suất quà và suất ăn miễn phí cho bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong dịp tết. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã lên kế hoạch tới chúc tết vào đêm giao thừa để động viên bệnh nhân.
Tại Bệnh viện K Trung ương, theo lãnh đạo bệnh viện, số lượng bệnh nhân phải ở lại điều trị trong dịp Tết không nhiều, nhưng bệnh viện vẫn chủ động các phương án cấp cứu những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Theo PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương, hiện tại số người bệnh đang điều trị tại 3 cơ sở của bệnh viện là trên 1000 người. Nhưng trong những ngày nghỉ Tết chỉ còn gần 200 bệnh nhân.
Bệnh viện có chủ trương cùng với các bác sỹ trực, các nhà hảo tâm cố gắng lo tối đa cho người bệnh và người nhà bệnh nhân để tạo một không khí đầm ấm giúp họ vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Bệnh viện K cũng tổ chức bữa cơm tất niên với những bệnh nhân phải ở lại bệnh viện.
Nguy cơ dịch từ gia cầm
Song song với công tác “trực chiến” tại Bệnh viện thì việc phòng chống bệnh lây nhiễm trong dịp Tết cũng rất đáng lo.
Theo PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc.
Do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông - nơi đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A(H7N9) - do đó không chủ quan với nguy cơ bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9) nếu đến các khu vực có dịch.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) và A(H5N6) tại một số hộ gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời nên không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm có ở một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để.
Cục Y tế dự phòng cảnh báo tới tất cả các cán bộ trong ngành không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017;
Phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng,... tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc;
Đồng thời chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chủ động khai thác các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm để áp dụng các biện pháp điều trị, quản lý một cách phù hợp.
Đặc biệt, ngày tết không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.