Bệnh viện không dám nhận hồ sơ thực hiện mang thai hộ
Bệnh nhân đang được tư vấn tại Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ |
Từ ngày 15/3, Nghị định của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ chưa dám tiếp nhận hồ sơ nào vì “không biết phải làm ra sao”.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: số người thực sự đủ điều kiện đến xin được mang thai hộ không nhiều, tính đến nay qua sàng lọc sơ bộ mới chỉ có khoảng 10 trường hợp đủ điều kiện được phép mang thai hộ như luật quy định, nhưng số người có tâm lý không thích mang thai, không muốn dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác liên hệ với nhu cầu mang thai hộ nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu vì họ không nắm rõ luật, không hiểu rõ những đối tượng như thế nào mới được phép mang thai hộ.
Dù luật đã cho phép nhờ người mang thai hộ, song theo quy định, không phải cá nhân nào cũng được phép làm điều này trừ những trường hợp người đó không có tử cung hoặc đã cắt tử cung; đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm và các phương pháp khác mà vẫn không thể mang thai hoặc người có tiền sử sẩy thai liên tiếp, niêm mạc tử cung mỏng, mắc những bệnh mãn tính không thể mang thai...
Mặc dù Nghị định của Chính phủ đã có hiệu lực nhưng đến thời điểm này, Bệnh viện Từ Dũ vẫn chưa dám nhận một hồ sơ nào bởi còn quá nhiều điểm vướng mắc về kỹ thuật y khoa, pháp lý và tâm lý.
BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết: “Nghị định chỉ nêu chung chung các trường hợp được phép nhờ người mang thai hộ, trừ những người không có tử cung hoặc đã cắt tử cung, còn những đối tượng khác thì không biết phải xác định như thế nào, ví dụ người đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhiều lần mà vẫn không thể mang thai, “nhiều” ở đây là bao nhiêu lần? Những người có niêm mạc tử cung mỏng cũng được phép nhờ mang thai hộ nhưng mỏng ở mức độ nào?”.
Việc xác minh người mang thai hộ là họ hàng, luật mang thai hộ quy định chưa rõ cũng đang là vấn đề mà Bộ Y tế đang vướng. Ai sẽ là người xác định người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có quan hệ họ hàng ? Việc này để công an, chính quyền địa phương nơi người nhờ mang thai hộ hay người mang thai hộ xác định vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Để công an hay chính quyền địa phương xác nhận họ hàng giữa người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ thật sự là một việc làm rất khó.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa biết cơ quan nào tư vấn tâm lý, pháp luật cho người mang thai hộ . Bệnh viện Từ Dũ đang liên hệ với các tổ chức và mời họ tư vấn cho các bệnh nhân, nếu để bệnh nhân tự đi làm thì sẽ khó khăn rất nhiều.
TS.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết, quy định mang thai hộ có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhiều gia đình đứng trên bờ vực ly tán vì người phụ nữ không có tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hoặc bị cắt tử cung không sinh được con, sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
“Nhiều phụ nữ mắc các bệnh hiểm nghèo dù được tiên lượng việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi nhưng vẫn mạo hiểm đánh cược sinh mạng để sinh con cho bằng được. Những trường hợp này nếu tìm được người mang thai hộ thì sẽ là giải pháp quan trọng”, bác sĩ Tường phân tích.
BS Tường cho biết, cả ba bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế chỉ định thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản đều không gặp khó khăn trong việc thực hiện các kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, hầu hết các hồ sơ vẫn còn vướng mắc ở khâu xác minh người mang thai hộ có quan hệ họ hàng với người nhờ mang thai hộ hay không. Do đó, tất cả hồ sơ đủ điều kiện về mặt kỹ thuật buộc phải dừng lại chờ đợi cuộc họp giữa các ban ngành để chốt lại những khái niệm này vào cuối tháng 3/2015.
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, mang thai hộ là một chủ trương có tính nhân văn và nhân đạo rất cao, nhưng nếu không có những quy định thật chi tiết, cụ thể thì sẽ khó tránh được việc những đối tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.