Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt máy bán hoá chất vẫn phải đấu thầu công khai
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội |
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc phụ trách tài chính, Bệnh viện Đại học Y đã có chia sẻ với Báo điện tử Infonet về công tác xã hội hoá, liên doanh liên kết máy móc thiết bị y tế tại bệnh viện.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện của trường Đại học Y Hà Nội nhưng đã thể hiện sự phát triển vượt bậc trong những năm qua sau khi tự chủ về tài chính. Xin ông chia sẻ về công tác xã hội hoá máy móc thiết bị của Bệnh viện được triển khai như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Quan điểm xã hội hoá tại Bệnh viện Đại học Y được thực hiện theo chủ trương xã hội hoá của nhà nước.
Đây là một chủ trương rất đúng đắn, nó theo tinh thần làm sao để huy động mọi nguồn lực thực hiện chức năng nhiệm vụ trong giáo dục và y tế. Từ khi có nghị định 69 của Chính phủ cùng với Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn quyền tự chủ tài sản liên doanh liên kết để phát triển trong đơn vị Bệnh viện Đại học Y đã đạt được nhiều hiệu quả,
Nhờ xã hội hoá đã khắc phục được nhu cầu sử dụng thiết bị y tế phục vụ người dân tránh tình trạng đầu tư không đủ, do thiếu thốn trang thiết bị để người dân không phải ra nước ngoài điều trị.
Hiện nay, các thiết bị được xã hội hoá tại Bệnh viện Đại học Y là những máy móc có khả năng thu hồi vốn lâu, những dịch vụ ít làm như có những dịch vụ cả tháng thực hiện lần nhưng bắt buộc phải làm để phục vụ công tác điều trị, khả năng thu hồi vốn lâu mới xã hội hoá.
Người bệnh đến khám tại BV Đại học Y Hà Nội |
Còn thiết bị có nhu cầu cần làm thường xuyên thì bệnh viện sẽ tự chủ vay vốn để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Các trang thiết bị được đẩy mạnh phát triển ở Bệnh viện Đại học Y là gì thưa ông?
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Các trang thiết bị xã hội hoá tại Bệnh viện Đại học Y chỉ là xã hội hoá liên quan đến xét nghiệm, ký hợp đồng mượn máy, thông qua đấu thầu những đơn vị chấp nhận hình thức đó thì phải làm đề án để lãnh đạo bệnh viện xem xét. Với phương trâm đầu tư để làm thế nào có máy tốt phục vụ người bệnh, vẫn thông qua luật Đấu thầu tránh tình trạng vừa đặt máy vừa cung cấp hoá chất.
Việc đặt máy theo kiểu liên doanh liên kết, cho mượn máy để bán hoá chất, Bệnh viện kiểm soát như thế nào để người bệnh không bị lạm dụng?
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Về phía bệnh viện luôn minh bạch, các khoản thu đều do bệnh viện thu. Ban giám đốc bệnh viện luôn đặt ra vấn đề này để tránh, chẩn chỉnh nhân viên y tế.
Trong cơ chế hoạt động làm sao để nhân viên y tế thấm nhuần tinh thần chỉ định có trách nhiệm. Hơn nữa, bác sĩ không được hoa hồng từ các chỉ định nên họ chẳng lạm dụng làm gì.
Mặt khác, bệnh viện của Trường Đại học Y Hà Nội nên chủ yếu là các thầy của trường sang khám chữa bệnh đặc biệt không có xét nghiệm lạm dụng hay các hình thức nào khác.
Ngoài ra, cơ quan của BHYT cũng thường xuyên giám sát chặt chẽ hiện tượng lạm dụng xét nghiệm và các chỉ định.
Theo như ông nói, máy móc xã hội hoá ít và chỉ máy thu hồi vốn lâu còn lại máy móc do bệnh viện tự đầu tư từ nguồn quỹ phát triển của bệnh viện. Phải chăng vì thế mà giá dịch vụ y tế của Bệnh viện Đại học Y so với các bệnh viện công lập khác cao hơn?
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Giá dịch vụ theo yêu cầu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cao hơn các bệnh viện khác là đúng thật.
Hướng phát triển của bệnh viện là làm thế nào để phát triển bệnh viện theo hướng đưa đến dịch vụ y tế tốt nhất. Ví dụ khoa Quốc tế hay khám theo yêu cầu của bệnh viện người bệnh có quyền đặt hẹn khám, được chọn bác sĩ mà họ muốn được khám.
Bệnh viện đưa ra dịch vụ tốt nhất để thu hút nhóm đối tượng có điều kiện thay vì phải ra nước ngoài khám chữa bệnh họ có thể khám chữa bệnh ngay trong nước với mức chi phí thấp hơn, không mất công đi lại.
Ví dụ ở khoa Quốc tế được xem là dịch vụ quốc tế bởi người bệnh đến khám được chăm sóc, chuẩn bị chu đáo từ tư vấn tới việc lấy máu hay thực hiện các xét nghiệm xong, người bệnh có thể ăn nhẹ ngay tại phòng khám.
Chúng tôi hướng tới việc đặt hẹn khám để người bệnh không phải chờ lâu, và thoải mái nhất khi tới bệnh viện.
Bệnh viện phát triển theo hướng phục vụ người có tiền. Vậy có tạo ra bất công đối với người nghèo không khi bệnh viện vốn là đơn vị sự nghiệp công lập?
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: Quan điểm của bệnh viện Bệnh viện Đại học Y là phải chữa bệnh, bệnh viện chữa bệnh cả người có điều kiện và người không có điều kiện. Người có hoàn cảnh khó khăn nghèo và cận nghèo được hỗ trợ BHYT. Bệnh viện sẽ giải quyết cho chế độ BHYT và khi bệnh nhân ổn định sẽ chuyển về tuyến dưới.
Ngoài ra, bệnh viện vẫn có quỹ để hỗ trợ cho người nghèo có thể hưởng các dịch vụ y tế cao cấp của bệnh viện. Ví dụ, bệnh viện thường xuyên có các chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo gần đây nhất là mổ tai miễn phí cho những trẻ em bị câm điếc bẩm sinh. Công ty chăm sóc sức nghe Hearlife có tặng cho bệnh viện 3 bộ cấy ốc tai điện từ và cả 3 bộ này bệnh viện sẽ khám sàng lọc và xác minh 3 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất để mổ miễn phí cấy ốc tai điện tử và cho các cháu học nghe, học nói. Mỗi cháu còn được hỗ trợ 5 triệu đồng để chi phí đi lại và ăn ở khi gia đình các cháu xuống Hà Nội khám. Vì vậy, không thể nói người nghèo không được hưởng dịch vụ của bệnh viện.
Vâng, xin cảm ơn ông!