Bệnh viện Bạch Mai bị "tố" mổ nhầm gây liệt cho bệnh nhân, bác sĩ nói gì?
Anh Dần cho rằng bị mổ nhầm nên khiến anh bị liệt tứ chi |
Liệt sau mổ
Phản ánh tới Infonet, anh Nguyễn Bá Dần trú tại Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ tháng 2 vừa qua anh Dần thấy xuất hiện các triệu chứng tê bì các ngón tay phải khi gập cổ xuống, còn lại mọi thứ đều bình thường. Ngày 27/2, anh Dần đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khám. Sau khi khám và chụp Cộng hưởng ở đây các bác sỹ chuẩn đoán là nghi ngờ có khối u tủy cổ kích thước 1cm x 0,9mm và bác sĩ tư vấn cho chuyển lên tuyến trên. Ngày 28/2, anh Dần tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh làm hồ sơ chuyển viện ra Hà Nội và bệnh viện được chuyển tới là Bệnh viện Bạch Mai.
Nghe nói u tủy, anh Dần và cả gia đình lo lắng nên khi ra Bệnh viện Bạch Mai anh chỉ còn biết tin tưởng tuyết đối vào bác sĩ. Tuy nhiên, khi chuyển lên bệnh viện Bạch Mai, anh Dần không được các bác sỹ khám hay tư vấn gì. Bác sĩ chỉ xem qua bệnh án tuyến dưới rồi cho bệnh nhân nhập viện, tại khoa phẫu thuật thần kinh vào ngày 1/3/2019. Anh Dần chỉ nằm viện 5 ngày và chờ, sau đó anh được chuyển xuống khoa Đông y và nằm chờ thêm 5 ngày nữa thì bác sĩ mới báo anh mang phim chụp ở Hà Tĩnh lên để hội chẩn.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ chuyển luôn anh Dần lên khoa phẫu thuật thần kinh để chuẩn bị mổ. Anh Dần cho biết, anh không được khám lại bất cứ cái gì nên cũng không hiểu được vấn đề, bác sĩ bảo mổ và gia đình quyết định mổ.
Ca mổ được bác sĩ thông báo với người nhà là khá thành công nhưng chỉ tiếc là không lấy đc hết u. Khi tỉnh lại, anh Dần thấy toàn thân tê bì mất hết cử động tứ chi (liệt tứ chi). Sau khi mổ và điều trị ở đây được gần 2 tháng nhưng thấy không tiến triển, mọi cử động đều không có mà toàn thân tê bì rất khó chịu.
Giấy ra viện của anh Dần. |
Người nhà anh Dần có lên gặp bác sĩ Đồng Phạm Cường, người mổ cho anh để hỏi và xin phác đồ điều trị. Bác sĩ đã chỉ định cho đi chụp lại cộng hưởng từ. Tuy nhiên, theo anh Dần, chụp xong phim bị nhòe không xem được vì bị nhiều ảnh nẹp vít sau khi mổ. Bác sĩ lại tiếp tục chỉ định cho người nhà lấy mẫu sinh khiết lấy ra lúc mổ đưa qua Bệnh viện Việt Đức để xét nghiệm lại, kết quả xét nghiệm chỉ là viêm tủy chứ chứ không phải u ác tính. Khi đó, bác sĩ giải thích với anh Dần viêm tủy không phải là u nên không cần mổ. Sau đó anh Dần được ra viện, về tuyến dưới điều trị tiếp.
Đến nay được gần 4 tháng nhưng anh Dần chưa đi lại được vẫn tê bì mất cảm giác toàn thân, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác trợ giúp.
Sau đó anh Dần lại đi khám ở một số bệnh viện lớn khác ở Hà Nội để chụp chiếu và kiểm tra xem mà tìm cách chạy chữa. Kết quả chụp MRI đốt sống cổ ở một bệnh viện khác thì anh Dần chỉ bị thoát vị đĩa đêm nhẹ. Anh Dần đoán “khả năng là nguyên nhân khiến tôi bị tê đầu ngón tay trước khi mổ, kết quả chỉ là tổn thương các tủy ngang, bị dính tủy sau phẫu thuật, không thấy có các khối u”.
Anh Dần nghi ngờ mình bị mổ nhầm nên mang kết quả và phim sang Bệnh viện Bạch Mai để gặp bác sĩ mổ nhưng bác sĩ chỉ bảo về tập phục hồi chức năng, trong 6 tháng đến 1 năm mà không được sẽ thành cố tật.
Anh Dần rất bức xúc vì cho rằng anh từ khỏe mạnh sau mổ trở thành người tàn phế khiến việc gia đình ngưng trệ, kinh tế tốn kém. Từ sau ca mổ đến nay chi phí điều trị cho anh Dần đã tốn 250 triệu đồng.
Tổn thương trong tủy
Theo TS BS Đồng Phạm Cường – Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, anh chính là người mổ cho bệnh nhân Dần. Bác sĩ Cường cho biết anh đã giải thích cho bệnh nhân và người nhà hiểu về bệnh u tủy. Bác sĩ Cường cho biết, sau khi nhập viện dựa trên các kết quả của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, các bác sĩ đã hội chẩn và xác định bệnh nhân có u tủy. Bác sĩ Cường cho biết, cuộc hội chẩn mổ là toàn viện có các giáo sư, tiến sĩ của bệnh viện cùng tham gia nên không phải là bác sĩ từ chối phim MRI của Bệnh viện Hà Tĩnh vì các hình ảnh chất lượng rất tốt.
Ca mổ của bệnh nhân Dần rất khó vì tổn thương ở trong nội tủy. Lúc mổ, các bác sĩ vừa phẫu thuật vừa sinh thiết tức thì để đánh giá tổn thương. Di chứng sau mổ có thể xảy ra bởi vì di chứng như thế nào là do tổn thương trong tủy của người bệnh chứ không phải bác sĩ mổ nhầm.
Bác sĩ Cường cho biết, sau mổ bệnh nhân được đánh giá và lúc này các tổn thương viêm vẫn còn nên bệnh nhân cho rằng mình bị viêm tủy. Tuy nhiên, thực tế sau thời gian điều trị bằng kháng sinh, chống viêm khu vực viêm tủy đã hết. Bệnh nhân đến bệnh viện khác chụp phim CT lại sau một thời gian khác thì tổn thương viêm đã hết và trên phim lúc này chỉ còn hình ảnh thoát vị đĩa đệm nhẹ.
Bác sĩ Cường cũng giải thích cho người bệnh và anh cho rằng phẫu thuật thần kinh là phẫu thuật rất khó, biến chứng nhiều, không bác sĩ nào giám chủ quan lôi bệnh nhân ra mổ khi chưa có hội chẩn phẫu thuật với các bác sĩ đầu ngành.