Bệnh ung thư xếp thứ 3 tại Việt Nam nguyên nhân từ những thói quen hàng ngày
Nhiều người mắc bệnh ung thư dạ dày chính từ những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày...
Bệnh ung thư xếp thứ 3 tại Việt Nam nguyên nhân từ những thói quen hàng ngày |
Ăn quá mặn - thủ phạm gây ung thư dạ dày
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Đáng lưu ý, gần đây tại nhiều cơ sở ung bướu gặp nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày còn rất trẻ.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.
Còn lại là các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài, ăn các thực phẩm kích thích mạnh như cay, nóng, mặn, béo phì... Trong đó, nhiều người mắc bệnh ung thư dạ dày chính từ những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K, chế độ ăn uống, ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Đầu tiên phải kể đến thực phẩm chứa nhiều muối nitrat, nitrit như: Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Tiếp đến là thói quen ăn mặn, ăn quá nhiều muối (trên 5gam muối mỗi ngày). Theo TS. BS Phạm Văn Bình, ăn mặn làm tan chảy các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc dạ dày gây tổn thương các tế bào đó.
Đặc biệt, một số nơi, phần đông người dân có thói quen ăn thịt rán, thậm chí rán nhiều lần, dùng dầu mỡ đã cháy rán lại. Việc làm này khiến cho tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.
Nguyên nhân là do, nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất gây ung thư, ngay cả dầu rán và mỡ.
Ngoài ra, chế độ ăn thiếu ranh xanh, hoa quả tươi, các vitamin C, A, E… cũng là yếu tố nguy cơ thuận lợi cho ung thư dạ dày.
Không để bụng quá đói
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên; từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích.
Theo TS. BS Phạm Văn Bình người dân cũng tuyệt đối không để dạ dày quá đói, bởi khi để đói kéo dài, lượng axit trong dạ dày cao trong khi đó dạ dày lại tăng cường co bóp. Đây là yếu tố làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng. Vì thế cần ăn đúng giờ, đúng cách, đảm bảo cho sức khỏe.
Không được nhịn ăn, nhất là ăn sáng; bữa tối chỉ ăn vừa đủ no. Sau bữa ăn, hạn chế vận động mạnh, chỉ vận động sau ăn khoảng 30 phút.
Đặc biệt, đối với những người nôn hay đại tiện ra máu mặc dù đây không phải dấu hiệu đặc biệt của ung thư dạ dày vì viêm ruột, viêm đại tràng cũng có thể có triệu chứng tương tự nhưng khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay.
Người bị sụt cân bất thường, đi tiêu phân đen; đau dạ dày dai dẳng; chán ăn, ăn không ngon; ợ nóng, khó tiêu… là những chỉ dấu biểu hiện sớm của ung thư dạ dày thì cần đi kiểm tra sớm.
N. Huyền
2 triệu người mắc bệnh này: Đây là 4 dấu hiệu bạn cần nhớ
Ung thư vú đang là mối quan tâm, lo ngại hàng đầu của chị em phụ nữ, bởi số lượng người mắc ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.