Bệnh nhi tử vong do sai lầm chết người của Bệnh viện Đông Anh
Cháu Tr. đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội |
Sáng nay (24/1), trao đổi qua điện thoại, chị Trịnh Thanh Hải, mẹ bé Nguyễn Hoàng Tr. (8 tháng tuổi, trú tại Đông Anh - Hà Nội), cho biết gia đình đang làm thủ tục để đưa bé về quê. Theo chị Hải, bé N.H.Tr. đã tử vong lúc 19h36' ngày 23/1 tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện nay, Công an huyện Đông Anh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh và Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công An) đã hoàn tất thủ tục khám nghiệm tử thi.
Gia đình chị Hải cũng mời luật sư để tiến hành khởi kiện Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, Hà Nội.
Chị Hải cho biết ngay khi chuyển từ bệnh viện Đa khoa Đông Anh lên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bé đã luôn trong tình trạng nguy kịch. Sau 5 ngày điều trị tại Xanh Pôn, sau khi được thông báo không thể cứu chữa, gia đình đã chuyển bé sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, tình trạng của bé cũng không được cải thiện tiên lượng vẫn rất khó khăn vì bé bị chết não.
Bé Tr. là con đầu lòng của chị Hải do chị lập gia đình muộn, với sự nhầm lẫn, tắc trách này khiến chị Hải và gia đình vô cùng đau lòng và sẽ kiện bệnh viện.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, Dược sĩ, Nguyễn Hữu Đức – Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết việc tiêm kali bằng đường tĩnh mạch vô cùng nguy hiểm có thể gây ngưng tim ngay và trường hợp chỉ định kali tiêm cực kỳ hiếm.
Trường hợp ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, PGS Đức cho biết, riêng kali clorid chỉ dùng trị chứng thiếu kali huyết. Người bệnh bị thiếu kali huyết nhẹ, không có rối loạn nhịp trên ECG, không có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm, sẽ được bù kali clorid bằng đường uống.
Còn người bệnh bị thiếu kali huyết nặng có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm hay có rối loạn nhịp trên ECG không thể uống được, sẽ được bù kali bằng đường tiêm, thậm chí là tiêm truyền tĩnh mạch.
Như vậy, kali clorid có 2 dạng thuốc: thuốc dạng uống và thuốc dạng tiêm, tùy trường hợp mà bác sĩ chỉ định dạng thuốc cho thật phù hợp. Khi bác sĩ chỉ định "kali clorid 10%/5ml" có nghĩa bác sĩ đã chỉ định dùng dạng thuốc tiêm (ống 5ml chứa kali clorid 10%) và dùng dạng thuốc này cho trường hợp uống là không phù hợp.
Mặc dù bác sĩ ghi trong đơn thuốc: "sử dụng đường uống (mỗi lần uống ½ ống)" nhưng đối với điều dưỡng là người trực tiếp cấp phát, cho sử dụng thuốc có nguy cơ rất lớn việc nhầm lẫn tiêm thuốc thay vì cho uống."