Bên trong phủ đệ của ‘quan tham bậc nhất Trung Quốc’ thời phong kiến
Thời vàng son của Cung vương phủ
Sử sách Trung Quốc chép lại, vua Càn Long (1711-1799) của nhà Thanh vào tháng 5/1780 đã quyết định gả con gái mình là Hòa Hiếu công chúa cho con trai của đệ nhất sủng thần trong triều đình khi đó là Hòa Thân (1750-1799). Sau đó chỉ một tháng, Càn Long hạ chiếu chỉ chọn một khu đất trong số gia sản bị sung công của đại thần Lý Thi Nghiêu (?-1788) để ban cho Hòa Thân xây phủ đệ cho công chúa.
Tới năm Càn Long thứ 49 (1784), việc xây dựng phủ đệ hoàn tất. Vào tháng 1/1790, hôn lễ của Hòa Hiếu công chúa và con trai của Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức được cử hành, và công chúa chính thức vào ở trong phủ. Dù mang danh là xây dựng để làm nơi công chúa ở, nhưng trên thực tế đây là phủ đệ được vua Càn Long ban cho Hòa Thân.
Vào đầu năm 1799, vua Càn Long băng hà. Con trai của Càn Long là vua Gia Khánh (1760-1820) chính thức tiếp quản triều chính và quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng trong triều đình khi đó. Vị quan tham đầu tiên mà vua Gia Khánh nhắm tới chính là Hòa Thân. Vào tháng Hai năm đó, Gia Khánh đã bãi miễn chức vụ Quân cơ đại thần của Hòa Thân, đồng thời phái nhiều thân vương và quan chức đến phủ công chúa cùng nhiều phủ khác của Hòa Thân, để tịch biên gia sản.
Sau khi kiểm kê số vàng bạc và đồ quý được Hòa Thân cất giấu trong phủ công chúa, vua Gia Khánh đã ra lệnh cho người chuyển số tài sản này về cung, đồng thời chuyển quyền sở hữu phủ trên từ công chúa Hòa Hiếu cho em trai là Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân (1766-1820). Tới đây, phủ công chúa được gọi với cái tên “Khánh vương phủ”.
Con cháu của vương gia Vĩnh Lân sinh sống trong tại đây tới đời thứ 4 thì tuyệt hậu. Do vậy, Khánh vương phủ vào năm 1852 đã được vị vua thứ chín của nhà Thanh là Hàm Phong ban cho Cung Trung Thân vương Dịch Hân (1833-1898). Từ đó, vương phủ được đổi tên là “Cung vương phủ”, và cái tên này được sử dụng cho tới ngày nay.
Cung vương phủ có diện tích hơn 61.120m2, được chia làm hai phần gồm các công trình và vườn hoa. Bên trong Cung vương phủ có ít nhất 30 công trình lớn nhỏ khác nhau, trong đó gồm điện Ngân An chuyên được sử dụng trong các dịp lễ quan trọng; lầu Tàng Bảo là nơi được quan tham Hòa Thân sử dụng để cất giấu vàng bạc…
Theo trang Baijiahao.baidu của Trung Quốc, các thân vương nhà Thanh khi phụng mệnh vua Gia Khánh tới lục soát phủ vào năm 1799 đã thu được hơn 26.000 lượng vàng chỉ riêng tại lầu Tàng Bảo.
Thăng trầm khi thời phong kiến kết thúc
Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, một số quý tộc vẫn sinh sống trong Cung vương phủ tới tận năm 1938. Sau đó vào năm 1939, Thế chiến Hai bùng nổ và kéo Trung Quốc vào cuộc chiến khốc liệt này. Mặc cho nhiều di tích lịch sử và danh thắng ở Bắc Kinh khi đó bị hư hại, nhưng Cung vương phủ lại may mắn không phải chịu sự tàn phá bởi chiến tranh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Cung vương phủ vào năm 1952 đã được sử dụng làm học viện dành cho nữ sinh của trường Đại học sư phạm Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian từ năm 1956-1964, nhiều tòa nhà của Cung vương phủ đã bị một số cơ quan công quyền và hàng trăm hộ dân chiếm hữu và sử dụng trái phép.
Tới năm 1962, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền thành phố Bắc Kinh cần bảo tồn và gìn giữ di tích Cung vương phủ. Trải qua hàng chục năm đấu tranh, chính quyền Bắc Kinh vào năm 2006 đã hoàn tất việc dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép và trả cho di tích này không gian vốn có.
Vào năm 2012, Cung vương phủ đã được chính quyền Trung Quốc liệt vào danh sách thắng cảnh cấp quốc gia, và trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều nhất ở Bắc Kinh.
Tuấn Trần