Belarus muốn mua S-400, liệu Nga có bán?
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vừa tuyên bố Minsk sẵn sàng mua thiết bị quân sự của Nga trị giá 300 triệu đến 500 triệu USD, trong đó bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Trong một tuyên bố vào ngày 10/8, Tổng thống Lukashenko nói: “Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ nhận được những tổ hợp này. Hơn nữa, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.
Theo đó, bất chấp tuyên bố của nhà lãnh đạo Belarus rằng hiện tại Minsk và Moscow đang đàm phán bán các tổ hợp S-400. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định khả năng một thỏa thuận như vậy sẽ diễn ra là khá nhỏ vì việc bán tổ hợp S-400 cho Belarus không chỉ bất lợi mà còn nguy hiểm cho Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: RIA) |
Cũng theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Lukashenko về việc bán tổ hợp S-400 cho Belarus thực chất là ám chỉ rằng phía Nga nên tặng những vũ khí này cho một quốc gia láng giềng, vì Minsk hiện tại không có đủ tiềm lực để mua các hệ thống phòng không và tên lửa tối tân.
“Ngay cả khi chúng tôi giả định rằng Tổng thống Lukashenko sẽ đi vay tiền để mua S-400, thay vì để duy trì niềm tin, thì vẫn chưa rõ khoản vay này sẽ được thanh toán như thế nào”, chuyên gia của Avia.pro cho biết.
Ngoài ra, bản thân việc bán S-400 cho Belarus thậm chí không mang lại lợi ích chiến lược. “S-400 của Nga được triển khai ở Kaliningrad hoàn toàn đảm bảo an ninh cho cả biên giới Nga và Belarus, do đó, ngay cả khi Minsk được trang bị các hệ thống phòng không này, chúng sẽ không thay đổi khả năng phòng thủ của Nga hoặc Belarus, hoặc Nhà nước Liên minh”, chuyên gia này giải thích.
Trong khi đó, thỏa thuận như vậy có thể tiềm ẩn một số rủi ro, vì trước đó Belarus đã bán các tổ hợp S-300 cho phương Tây, điều này cho phép Mỹ tiếp cận với các công nghệ quân sự và phát triển các biện pháp để chống lại Nga. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây chỉ là chiêu “răn đe” của ông Lukashenko với phương Tây và tổ hợp S-400 sẽ không đến với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuyên bố trên của Tổng thống Belarus được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và phương Tây đang căng thẳng. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố nước này sẽ đánh giá kỹ lưỡng các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ, Anh và Canada áp đặt đối với Minsk, cũng như sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa tương xứng.
Trước đó, theo các chuyên gia, việc cung cấp S-400 cho Belarus sẽ có ý nghĩa nếu một căn cứ không quân của Nga được xây dựng ở nước này.
S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
Tổ hợp S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Bên cạnh đó, S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình chia cắt, S-400 được trang bị cả các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc.
Top 10 dự án quân sự không bao giờ được xuất hiện trên chiến trường
Trong thế giới phát triển vũ khí mặc dù có những ý tưởng khá táo bạo, nhưng lại không thành công vì nhiều lí do khác nhau.
Thanh Bình (lược dịch)