Bé gái bị ép lấy chồng gia tăng ở Ấn Độ thời Covid-19
Ngày càng nhiều bé gái ở Ấn Độ bị ép kết hôn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Theo chia sẻ trên trang mạng Weibo của Trung Quốc, truyền thông Ấn Độ đưa tin số lượng trẻ em bị ép kết hôn ở quốc gia này đang gia tăng nhanh, do nhiều gia đình muốn con gái đi lấy chồng để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Thời báo Hoàn Cầu cho biết, chính phủ Ấn Độ đang phải giải quyết ít nhất 92.000 vụ việc về quyền trẻ em, mà trong đó có 5.584 vụ liên quan tới nạn tảo hôn của các cô dâu nhí.
Nhiều bé gái Ấn Độ bị ép lấy chồng để giảm gánh nặng kinh tế gia đình thời Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự cảm thông đối với những bé gái bị ép lấy chồng. Nhiều người cho rằng, chính cha mẹ đã tước đi cơ hội con cái được tới trường sau khi lấy chồng.
“Tôi biết mình không thể làm gì cho các bé gái nhà nghèo, nhưng tôi hy vọng mọi người quan tâm tới quyền lợi và phúc lợi của trẻ em. Hãy đối xử tốt với các bé gái, tôn trọng phụ nữ và quan tâm tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của phụ nữ, bởi đó là điều quan trọng đóng góp vào sự phát triển tương lai của quốc gia”, một cư dân mạng Trung Quốc bình luận và nhận được sự tán thành từ nhiều người khác.
Dữ liệu của Childline India Foundation cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1 – 7 năm nay, các cơ quan đại diện của tổ chức này đã đứng ra ngăn chặn 14.775 vụ việc liên quan tới trẻ em bị ép kết hôn ở Ấn Độ.
Số liệu trên trang web Girl Not Brides có liên hệ với hơn 1.400 tổ chức xã hội dân sự cam kết chấm dứt nạn cô dâu trẻ em cho hay, 27% bé gái sinh sống ở Ấn Độ bị ép kết hôn trước khi tổ chức sinh nhật lần thứ 18 và 7% bị ép làm đám cưới trước 15 tuổi.
Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh, Ấn Độ là quốc gia có số cô dâu nhí nhiều nhất thế giới với con số 15.509.000.
Tổ chức Girl Not Brides giải thích rằng, vấn nạn đám cưới trẻ em tại Ấn Độ xuất phát từ nhiều yếu tố mà trong đó phổ biến là đói nghèo và trình độ giáo dục thấp.
“Tảo hôn xuất hiện phổ biến trong những hộ gia đình nghèo khó, bởi nhiều gia đình muốn con gái sớm đi lấy chồng nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Thậm chí, nhiều gia đình coi con gái là paraya dhan (tài sản của ai đó). Điều này có nghĩa là bé gái sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình chồng nên việc cho con gái tới trường bị xem nhẹ hơn so với con trai”, Girl Not Brides nhấn mạnh.
Video khoảng 'thời gian quý báu' của Thủ tướng Ấn Độ gây 'bão'
Đoạn video ghi lại cảnh Thủ tướng Ấn Độ vui chơi cùng những chú chim công trong dinh thự nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng.
Minh Thu (lược dịch)