Bé gái 4 tuổi suýt mất mạng vì uống nhầm nước tro tàu
Bé Lan được nong stend thực quản lần thứ 4 vào sáng 8/10 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Ngày 8/10, BS CKII Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bé Lan mới được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiến hành nong stend thực quản lần thứ 4. Cách đây 4 tháng, bé được mẹ đưa đi ăn giỗ nhà hàng xóm. Sau khi chạy nhảy vui chơi được một lúc khát nước, thấy chai nước tro tàu – dùng để làm bánh ú đặt trên giá bếp, bé tưởng nước nên đã uống liền một mạch.
Thấy bé khóc thét và môi bị bỏng nặng, gia đình đưa bé đến bệnh viện gần nhà để cấp cứu. Do tình trạng bệnh nhân nặng nên bệnh viện đã đề nghị gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị. Tại đây, các bác sĩ xác định cháu bị bỏng độ 2. Thực quản bị ngấm bởi một chất kiềm nên bị tổn thương nặng, dính lại khiến bé không nuốt được, liên tục nôn ói.
Các bác sĩ đã cho bé điều trị theo phác đồ, dùng thuốc để băng dạ dày, thực quản, chống nhiễm khuẩn và đặt stend vào thực quản để chống dính. Tuy nhiên, cứ 1 tháng, bé lại phải tái khám để các bác sĩ đặt lại stend, nong thực quản. Bé Lan sẽ phải kéo dài quy trình này trong khoảng 1 năm, chi phí tốn điều trị và đi lại rất tốn kém. Hoàn cảnh gia đình bé khó khăn nên được phòng Tổ chức Y xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ.
Theo bác sĩ Sơn, nước tro tàu có công thức hóa học chính là KOH - chất kiềm này thường dùng để làm bánh ú tro, mì sợi, tạo độ trong, độ dai. Nước tro tàu trong suốt rất giống với nước uống khiến trẻ dễ bị nhầm lẫn. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 10-15 ca bỏng thực quản do uống nhầm nước tro tàu.
Bên cạnh đó, mỗi năm, cũng có khoảng 15-20 ca trẻ bị bỏng thực quản vì các lý do như uống nhầm axit, chất kiềm, nước giaven, nuốt nhầm pin điện tử phải nhập viện. Theo các bác sĩ, nếu trẻ uống nhầm các chất axit hay kiềm, phụ huynh nên cho con uống thật nhiều nước lọc để dung hòa độ axit và kiềm trong dạ dày. Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện một cách sớm nhất, cần mang theo dung dịch trẻ đã uống để các bác sĩ xác định mức độ tổn thương và có hướng xử trí nhanh hơn.