BBC: Lý do Erdogan không vội vàng xin lỗi Nga
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
“Nếu ông Erdogan có thể sửa chữa được sai lầm trong chính sách đối ngoại của mình thì ông ta đã không để cho quân đội bắn hạ máy bay của Nga. Ông ta tỏ ra rất hối tiếc về sự cố này. Nhưng tôi nghĩ rằng với tính cách của mình ông Erdogan sẽ khó mà đưa ra lời xin lỗi với Nga. Vì nó sẽ là sự thừa nhận thất bại đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ” - Soner Cagaptay, một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Washington (Mỹ) nhận xét.
BBC đánh giá mối quan hệ hiện nay giữa Moscow và Ankara đang trong tình trạng “căng thẳng có kiểm soát”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cho biết, ông ta lo ngại rằng mối quan hệ giữa 2 nước sẽ sụp đổ do “lỗi lầm của phi công Nga”, người bị buộc tội vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời ông Erdogan cũng nhấn mạnh, Ankara muốn cải thiện quan hệ với Moscow nhưng không hiểu bước đầu tiên phải làm thế nào.
Liên quan tới vấn đề này BBC nhắc lại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố, Moscow vẫn đang chờ một lời xin lỗi công khai và chính thức của Ankara về sự cố không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga trên không phận Syria.
“Có vẻ như sắp tới Ankara cũng chưa thực hiện điều đó (lời xin lỗi)” – kênh truyền hình Anh nhận xét.
Theo một số chuyên gia, “lời xin lỗi công khai sẽ coi như một sự sỉ nhục trong mắt người dân Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng mà ông Erdogan đang cần tới sự ủng hộ của họ” để thay đổi hệ thống chính trị từ mô hình do quốc hội quản lý sang mô hình Tổng thống trị.
“Ông Erdogan và cả Đảng cầm quyền không thể chấp nhận việc trả giá đắt cho rủi ro này. Sẽ không có lời xin lỗi nào được đưa ra trước khi các cuộc thảo luận bàn về thay đổi chế độ tại Ankara kết thúc” - Viện sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Kasim Khan nhận định.
Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên không phận Syria vào ngày 24/11/2015. Phi công Oleg Peshkov bị lực lượng người Turkmen ở Syria bắn chết trong khi đang nhảy dù khỏi máy bay gặp nạn. Còn hoa tiêu Konstantin Murahtin của Su-24 đã chạy thoát, đồng thời khẳng định máy bay Nga chưa vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và phi hành đoàn của họ cũng không hề nhận được bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga gọi sự cố này là “cú đâm sau lưng” của lực lượng ủng hộ khủng bố. Nga sau đó đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ: cấm các chuyến bay thương mại từ Nga tới các thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Ankara. Lệnh trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ hãng Ria Novosti.