Bày tỏ tình yêu con chốn đông người: Người mẹ ấy có làm gì sai đâu!
Nhiều người cho rằng người mẹ cầm tấm bảng động viên con trước trường là khoa trương, là không hiểu tâm lý lứa tuổi.
Ai làm cha mẹ bây giờ cũng từng là cô, cậu học trò trong quá khứ. Vì lẽ đó, họ hiểu và cũng buộc phải hiểu con mình sẽ trải qua những áp lực như thế nào. Mỗi thời áp lực mỗi khác nhau, nhưng trước kỳ thi chuyển cấp, học trò đều có nỗi lo chung về điểm số, sợ làm những người yêu thương thất vọng.
Vậy, người mẹ căng tấm biển: “Bất kể con thi đạt kết quả thế nào, bố mẹ đều yêu con” kèm bó hoa đặc biệt để cổ vũ con có sai không?
Nhìn từ hướng tích cực, người mẹ ấy chẳng làm gì sai. Chị muốn cổ vũ con sau khi làm xong bài thi cụ thể bằng quà tặng, bảng hiệu.
Người mẹ bên ngoài cổng trường chờ con cùng tấm bảng (Ảnh: Hoàng Khang) |
Từ hình ảnh chụp lại, người mẹ này có vẻ hiểu sở thích của con, khi tặng con gái bó hoa được dán đầy hình của thần tượng K-pop. Và cô bé cười, ôm mẹ khi rời cổng trường. Cảm xúc sâu xa chỉ người trong cuộc mới rõ, nhưng với cộng đồng mạng, họ có chủ đề để bàn tán, khen ngợi lẫn chê trách.
Hai mẹ con chụp ảnh kỷ niệm ngoài cổng trường (Ảnh: QM) |
Người mẹ ấy có thể đã có một lời hứa với con rằng sẽ tạo cho con một bất ngờ nho nhỏ, động viên con sau khi rời phòng thi. Cô bé cũng thích thú với việc làm đó, vậy có phải cộng đồng mạng đang đẩy câu chuyện đi xa hơn và theo hướng tiêu cực. Bày tỏ yêu thương cũng có vô vàn cách, người mẹ chọn cách phù hợp với con mình thì có gì sai?
Cô bé chụp cùng bó hoa đặc biệt mà mẹ đã chuẩn bị (Ảnh: H.N). |
Tôi còn nhớ câu nói của ông bố trong phim Reply 1988. Ông nói cô con gái thứ 2 thông cảm cho ông, bởi: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố. Cho nên con gái à, hãy lượng thứ cho bố nhé!”. Tôi nghĩ cũng như người cha kia, người mẹ cùng tấm biển cũng chỉ đang tìm cách để động viên con, nếu con gái cô ấy không thích, thì cũng chẳng có gì đặc biệt để chỉ trích tình cảm ấy!
Nhiều năm về trước, khi còn là cô học trò với nhiều áp lực trường chuyên, thích tự lập. Tôi từng không muốn ba mẹ có bất kỳ hành xử nào khiến tôi đặc biệt hơn, đến việc đội nón bảo hiểm cho cũng khiến tôi khó chịu. Những cuộc đối thoại ngày đó diễn ra liên tục từ ôn hoà cho đến căng thẳng chỉ để đôi bên hiểu nhau. Tôi đã bày tỏ rõ ý thích của bản thân, bố mẹ hiểu hơn và không tự bước vào thế giới của cô con gái mới lớn.
Phụ huynh căng thẳng, lo lắng chờ đợi con bên ngoài các ngôi trường (Ảnh: Minh Thư) |
Đến nay, khi nhìn lại, tôi thấy thương ba mẹ bởi hành trình cùng con trưởng thành không dễ dàng. Tôi từng nhiều đêm nghe mẹ nói với ba về chuyện tôi xa cách gia đình, rằng mẹ cố gắng mãi mà chẳng biết tôi đang nghĩ gì, đang cảm thấy ra sao. Tôi tin không bố mẹ nào muốn đẩy con vào tình huống khó xử nếu họ yêu thương và đủ hiểu con cái.
Như tôi ngày ấy, sự bướng bỉnh, thậm chí cáu bẳn của tôi cũng là dấu hiệu để phụ huynh biết nên làm gì và không nên làm gì. Nếu làm bố mẹ dễ dàng thì hẳn chẳng có những điều đáng buồn xảy ra. Tôi tin cô con gái trong câu chuyện là đứa trẻ hay tâm tình với mẹ, khiến mẹ con thân thiết, gần gũi.
Từ việc phụ huynh bày tỏ tình cảm trước đám đông, tôi nghĩ mọi người hãy xem đây là cơ hội hiểu con. Thử nói với con rằng bố mẹ làm hệt như bà mẹ ấy thì con nghĩ sao? Câu trả lời của con sẽ là chìa khoá để bố mẹ đi đến những hành xử đúng sau này.
Sỹ tử đến Văn Miếu xin chữ, cầu may trước kỳ thi vào lớp 10: Số báo danh, bút, máy tính... được đưa vào lễ
Chiều ngày 12/6, nhiều sĩ tử cùng phụ huynh đã đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để thắp hương lễ bái, xin chữ cầu may mắn cho kỳ thi vào lớp 10.
Theo www.phunuonline.com.vn