Bầu trời Somalia "dày đặc" máy bay không người lái
Bầu trời Somalia "dày đặc" máy bay không người lái
Trong một báo cáo gần đây, các quan chức Liên Hợp Quốc đã mô tả một số trường hợp nguy hiểm do máy bay không người lái gây ra như vụ đâm vào một trại tị nạn, bay gần một bãi chứa nhiên liệu và suýt va chạm với một máy bay hành khách lớn khi chiếc bay này đang bay qua thủ đô Mogadishu.
Mặc dù các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc không trực tiếp đổ lỗi những nguy cơ rủi ro này cho Mỹ, nhưng báo cáo lưu ý rằng ít nhất hai máy bay không người lái là được sản xuất Mỹ và cho rằng Washington chưa kiểm soát tốt các hoạt động máy bay không người lái của mình tại Somalia.
Một chiếc máy bay không người lái của Mỹ |
Quân đội Mỹ đã tiến hành các chuyến bay không người lái bí mật trên bầu trời Somalia trong nhiều năm qua như một phần chiến dịch chống khủng bố rộng lớn hơn đối với al-Shabab, một nhóm chiến binh Hồi giáo đang kiểm soát phần lớn đất nước Somalia và có hoạt động liên kết với al-Qaeda.
Tuy nhiên, tháng trước, lần đầu tiên chính quyền Obama thừa nhận đang "tham gia nhiều hoạt động nhằm vào al-Qaeda và các lực lượng liên quan, bao gồm cả ở Somalia".
Số lượng các chuyến bay không người lái quân sự trên Somalia đã tăng lên đáng kể, kể từ khi lực lượng không quân Mỹ (Air Force) mở một căn cứ mới vào cuối năm ngoái tại nước láng giềng Ethiopia của Somila. Quân đội Mỹ đã mở một căn cứ tương tự vào cuối năm 2009 tại Seychelles, một quần đảo ở Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển phía đông Somalia.
Cả hai hoạt động này đều là sự bổ sung cho căn cứ quân sự lớn hơn nhiều của quân đội mỹ tại Djibouti, một nước nhỏ nằm bên biên giới Tây Bắc Somalia, thuộc vùng Sừng châu Phi.
Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Somalia, nhưng lệnh cấm vận này đã đưa ra trường hợp ngoại lệ cho lực lượng quân đội Liên minh châu Phi để họ chiến đấu với al-Shabab và vực dậy chính quyền chuyển tiếp của Somalia ở Mogadishu.
Nhóm Giám sát của Liên hợp quốc tại Somalia cho rằng việc sử dụng máy bay không người lái tại đất nước này "có nguy cơ vi phạm các lệnh cấm vận vũ khí". Matthew Bryden, một quan chức Canada và là điều phối viên Nhóm Giám sát của Liên Hợp Quốc cho biết, Lầu Năm Góc đã cung cấp một số máy bay không người lái giám sát nhỏ, có tên Ravens, cho quân đội Liên minh châu Phi ở Somalia. Tuy nhiên, bất kỳ máy bay không người lái nào khác như Predator và Reaper mà quân đội Mỹ đang cho bay ở độ cao lớn hơn có nguy cơ "vi phạm lệnh cấm vận".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao từ chối bình luận về các hoạt động máy bay không người lái của Mỹ ở Somalia.
Phạm Khánh