Bầu cử Tổng thống Đài Loan: Cử tri tỏ ý tránh xa Trung Quốc
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng đảng DPP sẽ tìm kiếm một nền độc lập hợp pháp với Trung Quốc và ảnh hưởng đến mục tiêu thống nhất của Bắc Kinh. Sự kiện này có thể gây ra xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan, một điều mà Washington không muốn xảy ra.
Bà Thái Anh Văn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan. |
Chủ tịch đảng DPP, bà Thái Anh Văn đã nhận được 56,1% số phiếu bầu. Xuất thân là một luật sư, bà trở thành người đứng đầu cơ quan phụ trách quan hệ Đài Loan – Trung Quốc, sau đó trở thành phó Thủ tướng.
Sau thất bại của đảng DPP trong cuộc bầu cử năm 2008, bà là lãnh đạo chủ chốt giúp đảng giành lại vị thế của mình. Theo hãng thông tấn Central News Agency của Đài Loan, đảng đã giành được 68 trong tổng số 113 ghế của Quốc hội, qua đó trở thành đảng cầm quyền mới.
Thêm vào đó, theo các cuộc khảo sát ý kiến người dân, sự thay đổi trong thái độ của họ đã làm nên kết quả trên. Trong vòng vài năm qua, số người Đài Loan coi mình "là người Trung Quốc" đã giảm xuống chỉ còn 3,5%.
Cũng theo một cuộc điều tra khác do một tạp chí có uy tín của Đài Loan tổ chức, phần lớn người dân đều bày tỏ lo ngại trước những vấn đề trong nước, ví dụ như nền kinh tế của Đài Loan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy vậy, việc đảng DPP lên nắm quyền ở Đài Loan không có nghĩa hòn đảo này sẽ ngay lập tức yêu cầu độc lập khỏi Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn hiểu rằng có không quá 10% người Đài Loan mong muốn độc lập và muốn tình trạng hiện tại được giữa nguyên. Đây là một trong những mục tiêu chính trong các chính sách đối ngoại của bà trong tương lai.
Việc bà Thái trở thành Tổng thống không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ tiến hành chiến dịch quân sự để gây sức ép lên Đài Loan. Tình huống xấu nhất sẽ rất khó có thể xảy ra, tuy nhiên quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đi xuống.
Khi các thời Tổng thống Đài Loan trước đây theo đuổi những chính sách mà Trung Quốc coi là có hại đến lợi ích của họ, quan hệ giữa hai bên nhanh chóng xấu đi. Những bước đi của cựu Tổng thống Trần Thủy Biển, người được bầu vào năm 2000, là minh chứng rõ ràng nhất.
Bắc Kinh tin rằng mục tiêu cuối cùng của bà Thái và đảng DPP là giành độc lập cho Đài Loan, do đó họ yêu cầu Đài Bắc phải chấp nhận một số nguyên tắc cần thiết để đảm bảo quan hệ bền vững giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Ngược lại, bà Thái khẳng định thể chế chính trị của Đài Loan sẽ không thay đổi. và tin rằng Bắc Kinh nên hợp tác với bà. Rất có thể, sự tương đồng quan điểm này sẽ giúp hai bên đàm phán với nhau nhằm xây dựng lòng tin.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ ở Singapore vào cuối năm 2015. |
Tuy nhiên, khả năng hai bên sẽ càng trở nên lo ngại nhau cũng sẽ xảy ra. Cả hai bên đều không muốn xung đột diễn ra và vẫn mong muốn trong tương lai tình thế vẫn sẽ tiếp tục như hiện tại.
Đây là điều tương đối khó khăn và nó có liên quan đến cách nhìn của Bắc Kinh đối với cuộc bầu cử này. Trong 8 năm vừa qua, Tổng thống Mã Anh Cửu đã theo đuổi chính sách hợp tác có chiến lược với Trung Quốc, cụ thể là trong hoạt động thương mại và đầu tư. Ông sẵn sàng tuân theo những điều kiện của Trung Quốc, đồng thời thực hiện những bước đi của riêng mình.
Ông nhận được sự tín nhiệm rộng rãi trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất là bởi dư luận lúc đó bắt đầu tranh luận rằng liệu hợp tác với Trung Quốc có mang lại lợi ích to lớn cho Đài Loan hay không. Điều quan trong với Mỹ đó là quan hệ Trung Quốc – Đài Loan tích cực hơn so với trước đây.
Chính quyền Tổng thống Obama đã nhanh chóng hành động, khi cử Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Antony Blinken tới Bắc Kinh vào tuần tới để gặp gỡ các quan chức phụ trách vấn đề Đài Loan. Trong khi đó, ông William Burns, người từng giữ chức này, sẽ đến Đài Bắc để gặp bà Thái Anh Văn và những nhân vật chủ chốt của đảng DPP.
Cuộc bầu cử vừa qua chỉ mới là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mang tính quyết định đối với Trung Quốc, Đài Loan và cả Mỹ. Tình hình xảy ra từ nay cho đến lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan được tổ chức vào ngày 20/5 tới sẽ còn rất biến động.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.