Bất thường dự án nạo vét, nắn dòng gây sạt lở nghiêm trọng sát nhà dân, chính quyền tuýt còi 'cho có'
Ngay khi doanh nghiệp triển khai dự án nạo vét, nắn dòng suối Đắk Rí (xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã bị người dân địa phương phản ứng gay gắt vì tình trạng sạt lở đất, doanh nghiệp chỉ ''chăm chăm'' hút cát.
Cuối năm 2019, UBND huyện Krông Nô phê duyệt triển khai dự án nạo vét, nắn dòng suối Đắk Rí. Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và dịch vụ Phát Hải Nam là đơn vị trúng thầu, đến đầu năm 2020, công việc nạo vét được tiến hành.
Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, dự án này đã bị người dân địa phương phản ánh gay gắt vì họ cho rằng đây là hoạt động hút cát của doanh nghiệp chứ không phải nạo vét đất, khiến lòng suối bị sạt lở nặng nề.
Suối Đắk Rí bị sạt lở sát nhà dân. |
Qua quan sát thực tế ngày 9/1/2022, PV Infonet ghi nhận có 2 núi cát khổng lồ nằm ngay cạnh dòng suối này. Đặc biệt, việc vận chuyển cát diễn ra tấp nập. Một chiếc máy múc lớn hoạt động liên tục, xe lớn xe nhỏ ra vào ''ăn hàng'' như một bãi cung ứng thực thụ.
Khi phát hiện có người quay phim, những chiếc xe chở cát đã nấp vào bên cạnh cánh đồng ngô, nằm án binh bất động.
Theo quan sát của PV, từ 2 bãi cát khổng lồ này ra tới trụ sở doanh nghiệp Phát Hải Nam dài khoảng 1km, đơn vị này đã mở một con đường cấp phối men theo bờ suối để xe vào lấy cát được dễ dàng.
Một người dân canh tác ở gần bãi tập kết cát cho hay, việc khai thác cát đã diễn ra từ hai năm nay và chủ yếu hoạt động về đêm. Từ khi doanh nghiệp vào hút cát, tình trạng sạt lở bờ suối Đắk Rí trở nên rất nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đã đến sát nhà dân. Người dân đã làm đơn kiến nghị, tố cáo, tuy nhiên, các cấp chính quyền đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Cũng theo người này, nếu đúng quy trình nạo vét để nắn dòng thì phải có một máy múc nằm trên phà, nhưng ở đây chỉ dùng vòi rồng nằm một chỗ cả tháng thì chỉ có lấy cát lên đi bán.
Hoạt động mua bán cát rầm rộ. |
Trao đổi với PV, ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên xác nhận, ngay từ khi doanh nghiệp này bắt đầu triển khai nạo vét, nắn dòng suối, hàng chục hộ dân đã kéo ra UBND xã phản ánh tình trạng doanh nghiệp khai thác cát chứ không phải nạo vét theo dự án.
“Khi nhận thông tin phản ánh, xã đã đến làm việc và yêu cầu dừng việc khai thác cát. Tuy nhiên, xã không kiểm soát được quá trình khai thác, vận chuyển cát mà chỉ nắm qua báo cáo của đơn vị này”, ông Bảo cho hay.
Khi PV liên hệ, xác minh thông tin người dân phản ánh, ông Lê Phước Hải, chủ doanh nghiệp tư nhân xây dựng và dịch vụ Phát Hải Nam cũng thừa nhận ''nạo vét suối Đắk Rí lên toàn là cát'', nhưng ''ban đầu doanh nghiệp chỉ mang đi đổ ra các khu vực khác''.
Ông Hải cho rằng, việc tận thu cát là theo chỉ đạo của chính quyền, không phải ý định của doanh nghiệp. Trong khi đó, các thủ tục cấp phép, gia hạn rất lòng vòng, mất thời gian và khoảng 2 tháng nay đã hợp đồng với một doanh nghiệp khác triển khai dự án nạo vét suối.
“UBND tỉnh Đắk Nông buộc chúng tôi phải thu gom, tận dụng tài nguyên chứ không phải doanh nghiệp có tư tưởng bày ra để lấy cát, vì khi mới bắt đầu chúng tôi thấy là đi đổ cát”, ông Hải cho hay.
Bên ngoài doanh nghiệp Phát Hải Nam quây kín bằng tôn. |
Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Chung Huy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Krông Nô thông tin: ''Năm 2019, huyện có chủ trương triển khai dự án nạo vét suối Đắk Rí nhưng không có vốn triển khai. Khi huyện kêu gọi xã hội hoá thì doanh nghiệp Phát Hải Nam đề nghị tự bỏ vốn thực hiện dự án và tận dụng bùn đất từ quá trình nạo vét, nắn dòng suối để phục vụ san lấp.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì huyện phát hiện thứ doanh nghiệp tận thu không phải đất mà là cát nên đề nghị doanh nghiệp dừng lại, đồng thời kiến nghị Sở TNMT xuống đánh giá, xác định trong đó có cát, phải đưa vào dạng tận thu khoáng sản cát''.
Ông Huy cũng khẳng định, dự án nạo vét, nắn dòng suối Đắk Rí do UBND huyện Krông Nô cấp phép đã hết hạn vào 20/12/2021, còn giấy phép tận thu cát do UBND tỉnh Đắk Nông cấp thì đã hết hạn hơn 8 tháng trước, từ ngày 15/4/2021.
“Trong lúc chờ quyết định của cấp có thẩm quyền, huyện đã chỉ đạo doanh nghiệp dừng khai thác cát. Hiện nay, việc giám sát doanh nghiệp được giao cho UBND xã Đức Xuyên và xã Nâm N’Đir”, ông Huy thông tin thêm.
Dự án nạo vét để tiêu úng, thoát ngập là chủ trương đúng đắn, làm lợi cho dân; nhưng khi triển khai thì người dân lại phản ứng rất gay gắt, tố cáo doanh nghiệp lừa dân, chỉ tập trung khai thác cát và làm sạt lở đất đai.
Sự việc kéo dài 2 năm qua nhưng chưa được chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết khiến dư luận địa phương nghi ngờ về tính minh bạch của dự án này.
Nghệ An: Xôn xao loạt mỏ khai thác cát sỏi dừng bán "để bắt tay tăng giá"?
Không thể lấy được cát, sỏi ở địa bàn như trước, nhiều tài xế xe tải ở Thanh Chương (Nghệ An) phải đến các huyện khác lấy hàng về cung cấp cho người dân; nghi ngờ chủ mỏ, chủ bến cố ''om hàng'' để tăng giá bán.
Sông Cài