Bất ổn ở Ai Cập ảnh hưởng tới 70.000 người tị nạn Syria
Hôm 8/7, Suad, một người phụ nữ Syria cư trú tại Ai Cập và mẹ cùng trở về nhà sau một chuyến đi đến Jordan để gia hạn hộ chiếu. Trong khi đó, chồng và 3 cô con gái của cô vẫn đang ở thành phố Alexandria, Ai Cập.
Nhưng hai người bị chặn lại ở sân bay quốc tế Alexandria vì quy định mới yêu cầu người Syria phải có thị thực nhập cảnh trước khi vào Ai Cập. Trong khi đó, mẹ của Suad đang bị bệnh tiểu đường và đã hết thuốc. Suad đột nhiên thấy mình bị cách ly khỏi gia đình, không có thuốc cho mẹ và vật lộn để tìm cách trở về nhà.
Những bé gái Syria tị nạn ở Ai Cập. |
Suad và mẹ bị mắc kẹt tại sân bay trong gần 48 giờ. Khi biết rõ là không có hy vọng trở lại Ai Cập, chồng của cô đã mua cho cô một vé máy bay trở lại Amman để xoay sở xin visa mới.
Chồng của Suad nói: "Chúng tôi có một cô gái 9 tuổi, nó rất quấn mẹ, nó đang rất buồn và khóc cả ngày. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Chẳng ai nói với chúng tôi điều gì cả”.
Trước đó Ai Cập có một chính sách mở cửa cho người tị nạn Syria. Nhưng sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, có lẽ là do lo ngại lực lượng bên ngoài sẽ hỗ trợ cho Anh em Hồi giáo nên đã dẫn đến thay đổi về quy định trên. Chỉ riêng ngày 8/7, 276 người Syria đã bị từ chối vào Ai Cập; trong đó có một số người không còn sự lựa chọn nào khác là phải quay trở lại Syria.
Giải thích về quyết định yêu cầu phải có thị thực này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty nói: "Theo các lực lượng an ninh, có [người Syria] tham gia vào các cuộc biểu tình và sử dụng bạo lực. Chúng tôi yêu cầu các anh em người Syria tôn trọng bối cảnh hiện nay ở Ai Cập".
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc, hiện nay có khoảng hơn 70.000 người Syria tị nạn ở Ai Cập. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động và nhân viên cứu trợ Syria, có rất nhiều người Syria chạy trốn bạo lực hiện đang cư trú tại Ai Cập không đăng kí tị nạn. Với những hạn chế mới, thì những ngày Ai Cập được coi là một nơi trú ẩn an toàn cho những người tị nạn có thể sắp kết thúc.
Ông Mohamed Dayri, đại diện của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Cairo nói: "Tôi nghĩ người Syria sẽ rất khó lấy được visa”. Quy trình xin visa có thể kéo dài cả tháng, quá lâu đối với những người tị nạn. Dayri cũng lưu ý rằng Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc "rất quan tâm" tới số phận của những người Syria như Suad khi bị Ai Cập quay lưng lại.
Phản ứng cứng rắn này đối với cộng người Syria đã được thúc đẩy thêm bởi những câu chuyện rằng có sự tham gia của người Syria, thậm chí là họ còn dùng cả vũ khí trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập. Hôm 6/7, 3 ngày sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, tờ báo hàng ngày của Ai Cập al-Masry al-Youm đưa tin rằng một người Syria có tên là Mohamed Mohie al-Darjuni đang bị điều tra vì được Anh em Hồi giáo trả tiền để tấn công những người phản đối ông Morsi trong các cuộc đụng độ gần trung tâm thành phố Cairo vào hôm 5/7. Darjuni bị cáo buộc đã được trả khoảng 71 USD cho mỗi cuộc đụng độ với người biểu tình.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cho rằng những câu chuyện như vậy chỉ đơn thuần là trường hợp hy hữu. Dayri nói: "Chỉ một vài người Syria tham gia vào các cuộc biểu tình và sử dụng bạo lực không thể phản ánh tình trạng chung”. Ông nói rằng, cộng đồng người Syria không nên bị đối xử như vậy chỉ vì sai lầm của một số người”.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối ông Morsi lại lo ngại rằng, cộng đồng Syria ở Ai Cập đã bị Anh em Hồi giáo mua chuộc. Hai nhà bình luận truyền hìnhYoussef el-Husseini và Tawfiq Okasha đều công khai cảnh báo người Syria không được hỗ trợ ông Morsi hay tham gia vào các vấn đề của Ai Cập. Thậm chí, Okasha còn khuyến khích người Ai Cập bắt giữ người Syria nếu thấy họ biểu tình trên đường.
Các nhà hoạt động người Syria ở Ai Cập đang cố gắng ngăn chặn sự tham gia của người Syria trong các cuộc bạo động. Họ đã kêu gọi tất cả người Syria ở nước này “đứng ở vị trí trung lập đối với những sự việc trong nội bộ Ai Cập”.
Tuy nhiên, có lẽ họ có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc tình trạng bất ổn của Ai Cập có dịu xuống hay không.