Bảo quản xương sọ người: Giải pháp giúp bệnh nhân giảm 2 cuộc mổ phụ
PGS TS Ngô Duy Thìn - Trưởng trung tâm bảo quản mô. |
Công nghệ mới của y học hiện đại
“Ngân hàng” mô của Đại học Y Hà Nội đang có hàng nghìn mảnh xương sọ của bệnh nhân gửi và được bảo quản trong một môi trường đặc biệt với công nghệ mới của y học hiện đại.
Các bệnh nhân bị chấn thương sọ não, u não, phình mạch não phải mở hộp sọ để giải áp, phần xương sọ của họ khi lấy ra sẽ được gửi bảo quản tại đây - Labo công nghệ mô ghép thuộc Trung tâm công nghệ mô ghép và hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đại học Y Hà Nội -và sau đó sẽ ghép trả lại cho chính bệnh nhân sau này.
Hiện tại labo đã bảo quản gần tám ngàn mảnh xương với nhiều kích cỡ khác nhau, có những mảnh chiếm quá nửa đầu người. Trong số đó gần sáu ngàn bệnh nhân đã lấy ra để ghép lại.
PGS TS Ngô Duy Thìn – Trưởng labo tâm sự, trước đây khi chưa có kỹ thuật bảo quản mô tại labo, người ta phải rạch da bụng bệnh nhân cho các mô xương vào đó để bảo quản. Nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân phải chịu thêm ít nhất hai cuộc mổ phụ. Đây cũng là điều mà các bác sỹ phẫu thuật thần kinh rất ngại.
Mặt khác khi mảnh xương nằm trong cơ thể, người bệnh có mảnh xương dưới da bụng luôn có cảm giác khó chịu, vết mổ có thể nhiễm khuẩn, mảnh mô chờ ghép có thể bị ăn mòn hay di chuyển.
Sau khi mô được lấy ra để ghép, người bệnh thường chịu những sẹo xấu, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ vùng bụng, nhất là phụ nữ. Nhiều chị em ám ảnh với những lớp da bụng chằng chịt sẹo vì đã nuôi mô. Vì phải tiến hành thêm hai cuộc mổ phụ nên thời gian nằm viện cũng kéo dài, chi phí tốn kém.
Người nhà bệnh nhân đến nhận lại mảnh xương của người thân, |
Năm 2002, GS.TS Trịnh Bình, TS. Ngô Duy Thìn Bộ môn Mô - Phôi Đại học Y Hà Nội bắt đầu nghiên cứu và triển khai phương pháp bảo quản mảnh mô xương sọ ngoài cơ thể bằng phương pháp siêu lạnh (-85 độ C), tiệt khuẩn bằng tia gamma liều 25 kGy dưới sự trợ giúp đỡ của cố Giáo sư Tôn Thất Bách.
Ban đầu chỉ có một chiếc tủ lạnh sâu, một vài thiết bị xử lý mô đơn giản chỉ đủ để phục vụ cho các bệnh nhân của các bệnh viện lớn ở Hà Nội như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện trung ương quân đội 108, bệnh viện Saint Paul, bệnh viện Thanh Nhàn. Mặc dù trang thiết bị và con người còn thiếu thốn song các mảnh xương đầu tiên đã ghép lại thành công. Bệnh nhân đầu tiên ghép mảnh xương sọ bảo quản tại bộ môn tính đến nay đã 13 năm. Mảnh xương ghép vẫn đảm bảo chức năng và thẩm mỹ.
Mảnh xương đầu tiên ghép thành công
"Kho" chứa nghìn mảnh sọ người: Lạnh lạnh nhưng chứa đầy niềm hi vọng
Đột nhập trung tâm "nuôi dưỡng" xương sọ người lớn nhất Việt Nam
Điều ông trăn trở với chúng tôi là: đất nước ta trải dài gần 2000km, dân số đông, tai nạn giao thông nhiều, thu nhập của người dân còn thấp, nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân phải lặn lội đi mấy trăm cây số từ Quảng Bình ra hoặc từ Quảng Ninh lên chỉ để gửi một mảnh xương, chi phí đi gửi xương gấp hai, ba lần chi phí bảo quản xương.
PGS. Thìn cho biết, hiện ông đang giúp đỡ Đại học Y Huế sớm có một trung tâm bảo quản để người dân miền Trung không phải ra tận Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh để gửi bảo quản mảnh xương.
Tại labo của ông, các bác sỹ phải trực điện thoại 24/24 để giải quyết nhận và trả mô xương bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp bệnh nhân tử vong người nhà cần nhận lại mảnh xương của họ về mai táng. Các mảnh xương sọ là mô ghép tự thân, tức là ghép lại cho chính người gửi nên mọi khâu trong qui trình xử lý mảnh xương đều phải riêng biệt hoàn toàn để tránh nhầm lẫn và lây nhiễm chéo.
Từ năm 2010, labo đã có phần mềm cấp mã số tự động để tránh một mảnh xương có hai mã số. Việc khử khuẩn mô ghép được thực tiến hành định kỳ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.
Ngoài phục vụ bệnh nhân, nơi đây còn là cơ cở nghiên cứu, đào tạo các học viên sau đại học. PGS.TS Ngô Duy Thìn cũng là người hướng dẫn nhiều luận án tiến sỹ, luận văn cao học, luận văn tốt nghiệp bác sỹ về đề tài bảo quản mô ghép. Labo cũng đang thực hiện một đề tài cấp Bộ Y tế. Ông cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu để hoàn thiện quy trình bảo quản các mô ghép đồng loại, tức là lấy mô của người này ghép cho người khác như mô gân, mô xương.
Đặc biệt, Trung tâm sẽ phối hợp với Bệnh viện Việt Đức nghiên cứu bảo quản và ứng dụng lâm sàng một số mô giầu collgen như van tim, mạch máu bằng kỹ thuật hiện đại nhằm thay thế van tim sinh học có tuổi thọ ngắn.
Tuy nhiên ông cũng cho biết số người hiến mô ở nước ta hiện còn rất ít, mặc dù đã có Luật hiến, ghép mô tạng của Quốc hội và thông tư hướng dẫn của Bộ y tế trong khi ở các nước đã thành phổ biến.