Báo nước ngoài: Chó là bạn, vừa là món 'khoái khẩu' của người Việt
Báo nước ngoài: Chó là bạn, vừa là món 'khoái khẩu' của người Việt
Theo AFP, ở Việt Nam cún cưng của người này có thể trở thành món ăn của người khác. |
Tại một nhà hàng đông nghẹt khách ở Hà Nội, chủ quán đang hì hụi chế biến món đặc sản truyền thống mà khách hàng vẫn thường thưởng thức vào cuối tháng âm lịch – một đĩa thịt chó thật ngon.
Đã từ lâu, thịt chó vẫn tồn tại trong thực đơn của người Việt. Nhưng ngày nay, khi tình yêu dành cho người bạn 4 chân ngày ngày càng lớn mạnh, thì điều đó có nghĩa là một con vật nuôi của người này có thể là trở thành món dồi của người khác – và điều đó là có thực vì nạn trộm chó.
“Chúng tôi chưa bao giờ giết chó của mình để làm thịt. Giờ tôi đang ăn ở nhà hàng nên tôi không quan tâm họ giết những con chó nào hay bằng cách nào”, ông Phạm Đăng Tiến, 53 tuổi, nói khi đang nhai một miếng thịt chó luộc.
Ông Tiến tin rằng thịt chó tốt cho sức khỏe và “năng lực của phái mạnh” và ông không thấy có điều gì là mâu thuẫn giữa việc ăn thịt chó hàng tháng và việc nuôi chó – trong hơn 20 năm qua, gia đình ông vẫn có vật nuôi trong nhà là chó.
Đối với những người Việt Nam trung và cao tuổi, thịt chó là một phần quan trong trong văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam và có thể song song tồn tại với việc có vật nuôi trong nhà là chó.
Vào thời kỳ khó khăn khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thì chính quyền các thành phố lớn hạn chế nghiêm ngặt việc có vật nuôi (chó) trong nhà. Nhưng khi nền kinh tế và mức sống được nâng lên thì việc có các con vật nuôi trong nhà cũng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ, như em Nguyễn Ánh Hồng, 16 tuổi là ví dụ.
“Em không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể ăn thịt các chú chó –đó là những con vật nuôi rất đáng yêu mà”, Hồng nói.
Tình yêu dành cho thịt chó ở Việt Nam đã có một hệ lụy tiêu cực – ngày càng nhiều kẻ trộm đến các thị trấn nhỏ vùng nông thôn để trộm các con chó nuôi trong các gia đình để bán cho các cửa hàng thịt chó.
Mặc dù giá của vật bị đánh cắp quá thấp nên cảnh sát Việt Nam không mấy quan tâm – mỗi kg thịt chó có mức giá khoảng 6 USD (120.000 đồng) – nhưng việc mất con vật nuôi yêu quý của mình cho một cửa hàng ăn lại đánh mạnh vào tình cảm của chủ nhân những con chó đó.
Và đó là nguyên nhân của nhiều vụ đánh hội đồng dành cho những kẻ trộm chó. Vào tháng 6 vừa qua, một tờ báo điện tử của Việt Nam đưa tin một người đàn ông đã bị hàng trăm người dân trong một ngôi làng ở tỉnh Nghệ An đánh chết sau khi người dân bắt quả tang anh ta đang bắt trộm chó nuôi trong một gia đình ở đây. Vụ việc đã khuấy động dư luận và nhiều người ủng hộ hành động đánh hội đồng những kẻ trộm chó.
“Đánh chết một người là sai nhưng bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy”, một độc giả và cũng là một người có chú cún cưng của mình rơi vào tay những tên trộm chó, nhận xét trên trang báo.
Tại Công viên Thống Nhất ở Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm người đi dạo với cún cưng với nhiều chú chó giống ngoại, trong đó hai giống chó Chihuahuas và Huskies là phổ biến nhất.
“Bây giờ ở Việt Nam, nuôi chó cảnh đã trở thành mốt thời thượng”, Cù Anh Tú, một sinh viên đại học 20 tuổi và là chủ nhân một chú cún, cho biết. “Thế hệ trẻ ngày nay có vẻ rất yêu động vật”, Tú cho biết thêm.
Ở vùng quê, các chú chó thường được nuôi như thú cưng hoặc để trông nhà và đây chính là nơi nạn trộm chó hoành hành.
Hầu hết những chú chó ở nhà hàng Hoàng Giang là loại chó được nuôi chỉ dành để giết thịt – nhưng do chó được nuôi trong nhiều gia đình ở trong vùng quanh nhà hàng này nên rất khó nhận biết con nào là bị bắt trộm và con nào được nuôi riêng.
Trong khi chó lai được nuôi làm cảnh tại các thành phố lớn, thì ở vùng quê, người dân sẽ còn tiếp tục thấy chó bị giết lấy thịt.
Một điều đặc biệt là người Việt Nam “ăn thịt chó vào cuối mỗi tháng âm lịch để “giải đen” và những người làm ăn kinh doanh vẫn hay làm thế”, Giang, một đầu bếp chuyên chế biến món thịt chó, cho biết.
Trong lúc chuẩn bị thịt chó trong căn bếp của nhà hàng đầy chặt khách của mình, anh Giang cho biết trong ngày cao điểm hàng tháng, quán của anh có thể giết tới 7 con chó và doanh thu của quán anh vẫn đều đều.
Theo anh Nguyễn Bảo Sinh, chủ nhân một khách sạn cho chó mèo sang trọng ở Hà Nội, Việt Nam cần phải thay đổi tình yêu đối với thịt chó truyền thống của mình và học hỏi từ những nền văn hóa yêu động vật.
“Họ (người phương Tây) rất yêu thương loài chó và đó là tư tưởng rất hay. Người dân Việt Nam cũng nên yêu thương chúng. Chúng ta không nên giết hay đánh đập chúng dã man”, anh Sinh nói.
Ông Sinh cho rằng ngày càng nhiều người Việt Nam có tình yêu mãnh liệt dành cho vật nuôi.
Ông thành lập khách sạn chó mèo, khách sạn sang trọng duy nhất dành cho vật nuôi ở Hà Nội, để giúp các chủ nhân gửi vật nuôi của mình mỗi khi họ đi công tác hay đi du lịch. Khách sạn của ông còn có một nghĩa trang để chôn các con vật nuôi và cho đến nay đã có hàng trăm con vật nuôi được chôn ở đây và thậm chí còn có nhà sư đến cầu nguyện cho chúng.
“Nếu nhà nước có luật cấm ăn thịt chó thì tốt”, ông Sinh nói.
“Tuy nhiên, chúng ta không nên phân biệt đối xử hay coi thường những người ăn thịt chó”, ông nói thêm và nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải thuyết phục dần để người dân tôn trọng và yêu thương động vật hơn.
Tùng Lâm