Báo nước ngoài: Bài học từ lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam
Nhà báo Scott Crichton của tờ Missoulian, bang Montana, Mỹ mới đây đã đăng tải bài viết cảm nhận về đất nước Việt Nam khi trải qua 70 năm hình thành và phát triển. Ông cho rằng các quốc gia khác nên học tập Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Dưới đây là toàn bộ bài viết của Scott Crichton đăng trên ấn phẩm báo giấy của Missoulian:
Ngày 2/9 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hàng nghìn năm dưới ách thống trị của Trung Quốc, hàng chục năm là thuộc địa của thực dân Pháp nhưng khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc cũng là lúc đánh dấu một kỷ nguyên mới cho Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lại sự thống nhất, độc lập cho nhân dân Việt Nam và hiệp định Geneva được ký kết đã chính thức lập nên một nhà nước tự do. Tuy nhiên, có hai quốc gia khi đó đã không chịu tuân thủ theo hiệp định, đó là Mỹ và Pháp, vì vậy dẫn đến sự ra đời của Khu phi quân sự và một chế độ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa trong ngày lễ Quốc khánh. Nguồn: Telegraph |
Khi nhắc đến Việt Nam, trong đầu mỗi thế hệ người dân Mỹ lại hiện lên những hình ảnh khác nhau, phụ thuộc vào nhân khẩu học và chính trị. Đối với thế hệ sinh ra sau Đại chiến thế giới 2, họ thường lưu lại những sự kiện trong các năm 1960, 1970, quãng thời gian diễn ra những hoạt động quân sự kéo dài và tốn kém nhất. Đối với thế hệ trẻ hơn, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng đang dần được hiện đại hóa và dân số ngày càng tăng.
Thời gian có thể hàn gắn những vết thương, thế nên những khoảng cách do chiến tranh tạo ra đã phần nào bị xóa bỏ. Lực lượng cựu chiến binh ở Việt Nam đều được vinh danh và vẫn còn nhiều người phải chịu đựng những vế sẹo, vết thương do một thời bom đạn mang lại. Những người phản đối chiến tranh và các nạn nhân chiến tranh vẫn chưa nhận được sự đền bù thích đáng từ phía các công ty hay chính phủ Mỹ.
Tướng quân đội Nguyễn Quyết được những người lính trẻ dìu lên quảng trường Ba Đình. Nguồn: Telegraph |
Một Việt Nam hiện đại đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua quá trình tái cơ cấu nông thôn với tăng trưởng hàng năm từ 30 đến 40%. Dân số cả nước đã tăng lên 93 triệu người, 70% là dân số trẻ dưới 30 tuổi, một thế hệ luôn sẵn sàng tìm một vị trí trong thế giới hiện đại. Những công trình cơ sở hạ tầng liên tục được xây mới ở các trung tâm đô thị trong khi mô hình làng xã, đồng ruộng ở nông thôn vẫn duy trì theo truyền thống. Việt Nam là một mảnh đất rất đa dạng sắc tộc với các dân tộc thiểu số sinh sống rải rác và xen lẫn trên khắp các tỉnh thành.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia xã hội chủ nghĩa nhìn nhận ra một sự thật rằng các mô hình kinh tế nghiêm ngặt kiểu cũ đã không còn tác dụng, thay vào đó cần áp dụng một nền kinh tế “lai ghép” tốt cho tương lai của đất nước. Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn tồn tại hai hình thức là nhà nước và doanh nghiệp. Các lãnh đạo chính phủ vẫn còn khá thận trọng đối với vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc nhận biết nhu cầu của người dân và tìm câu trả lời cho những vấn đề của họ.
Những chiến sĩ diễu binh trong sự cổ vũ nhiệt tình của người dân. Nguồn: Telegraph |
Qua lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi muốn khuyến khích mọi người học tập theo nhân dân Việt Nam. Họ dường như đã tìm được cách đặt quá khứ lại phía sau, một cách trân trọng và đầy sự vị tha. Họ hướng tới tương lai nơi họ có thể tiếp tục trỗi dậy như một quốc gia có tầm quan trọng nhất định trong khu vực và trên toàn cầu. Một tương lai hòa bình cần lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
Nội dung được tham khảo trên trang web của tờ báo Missoulian. Đây là ấn phẩm báo giấy phát hành hàng ngày ở Missoula, Montana, Mỹ, ra đời ngày 15/9/1870. Tờ báo này có số lượng phát hành gần 100.000 bản, thuộc sở hữu của tập đoàn Lee từ năm 1959 và trở thành tờ báo lớn nhất ở khu vực phía Tây Montana.