Báo Nga: Dầu mỏ không cứu được chúng ta
Tác giả bài viết, nhà báo Anastasia Bashkatova nhận định, chỉ trong vòng vài tháng tới nền kinh tế Nga sẽ vấp phải muôn vàn khó khăn, bất kể chính sách đối ngoại của đất nước sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào.
Đáng chú ý, đây cũng chính là những điều mà các chuyên gia Trung tâm Phát triển Trường Đại học Kinh tế (Nga) cũng vừa cảnh báo. Lý do họ lo ngại trước hết là những chỉ tiêu xuất khẩu – với tình hình hiện nay thì đây gần như là động lực duy nhất của nền kinh tế Nga, song xuất khẩu lại đang bị thu hẹp do giá dầu mỏ giảm dần và hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine bị gián đoạn.
Giá dầu mỏ trung bình thực tế vẫn còn cao hơn giá dự định của chính phủ, hiện tại là 104 USD/thùng. Tuy nhiên, theo báo cáo hôm 26/8 của Thứ trưởng Bộ Tài chính Aleksei Moiseev, trong những năm tới giá dầu mỏ có thể sẽ giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Điều đó, đương nhiên, sẽ tác động tiêu cực đến tình trạng ngân sách liên bang và đồng rúp.
Sự suy giảm các hoạt động xuất khẩu rõ ràng không hứa hẹn bất cứ điều gì tốt đẹp cho nước Nga. Công trình nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Phát triển có tên gọi “Tuy chưa phải là khủng hoảng, nhưng đã mất ổn định”, trong đó vạch rõ: “Trong tháng Sáu và tháng Bảy lại có thêm một mũi nhọn kinh tế nữa lâm vào tình trạng hoạt động yếu kém. Sự trì trệ trong xuất khẩu, điều mà chúng ta thường gọi là cơ hội xuất khẩu, nay đã trở thành một thói quen cố hữu”.
Bài phân tích với tiêu đề "Xuất khẩu dầu mỏ không thể cứu được nước Nga" đăng trên tờ "Độc lập". |
Dẫn số liệu của Ngân hàng trung ương Nga, các chuyên gia kinh tế cho biết trong tháng 6/2014, giá trị xuất khẩu của Nga đạt 41 tỷ USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái và ít hơn 8% so với tháng 5/2014. Và khả năng xu hướng này tiếp tục giảm là điều chắc chắn. Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu, khoảng 2/3 khối lượng xuất khẩu là nhiên liệu, bao gồm dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Các nhà kinh tế cho biết khối lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt giảm chủ yếu là từ ngày 16/6/2014 do không xuất khẩu cho Ukraine nữa. Hơn nữa, giá dầu cũng đang có xu hướng giảm dần. Nếu vào tháng Sáu, giá dầu của Nga trung bình ở mức 109,7 USD/thùng, thì sang tháng Bảy chỉ còn 105,6 USD/thùng, giảm 3-4% mỗi tháng. Tuy nhiên, sự giảm giá hiện nay vẫn chưa vượt quá các giới hạn trong vòng ba năm rưỡi qua. Và giá trung bình (104 USD/thùng) thậm chí vẫn còn cao hơn giá định hướng của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức giá hiện nay duy trì cho đến cuối năm, theo các chuyên gia kinh tế, thì tỷ suất lợi nhuận sẽ gần như cạn kiệt.
Tốc độ tăng trưởng khai thác dầu ngoài khu vực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sự phục hồi sản xuất ở Iraq và Libya, và việc giảm tốc độ tăng trưởng trong Khu vực sử dụng đồng euro… tất cả đã dẫn đến hậu quả mà chúng ta thấy rõ trong những tuần gần đây, thậm chí giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục giảm. Việc giảm giá dầu trên thế giới là một đòn giáng mạnh vào mức thu nhập của các công ty dầu mỏ lớn nhất của nước Nga, bao gồm cả Rosneft của Igor Sechin và Gazprom của Aleksei Miller.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Aleksei Moiseev, hôm 26/8, đã xác nhận những lo lắng đó. Ông cho rằng, trong những năm 2015-2017, giá dầu có thể sẽ giảm đáng kể, xuống dưới mức 100 USD/thùng. Giám đốc Trung tâm Phát triển Natalia Akindinova bổ sung: “Các biện pháp trừng phạt, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ càng làm trầm trọng hơn nữa động lực tiêu cực xuất khẩu phi dầu mỏ của Nga”.
Kết quả là, như dự đoán của các nhà kinh tế, giá trị xuất khẩu của Nga vào cuối năm 2014 chỉ có thể đạt được khoảng hơn 500 tỷ USD, “con số này thấp hơn nhiều – khoảng hơn 3%, so với dự báo trước đó của chúng tôi, và dự báo của chính phủ”. Trung tâm Phát triển kết luận rằng xuất khẩu giảm sẽ là một thách thức nặng nề đối với ngân sách quốc gia và đồng rúp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế của Báo Độc lập, khi được hỏi đều cho rằng không nên lo ngại về tình trạng xáo động đặc biệt. Trưởng bộ phận phân tích của công ty AForex Artem Deev tin rằng ít có khả năng trong năm nay khối lượng xuất khẩu giảm quá nhiều. Hiện chính phủ đã dự đoán triển vọng xấu nhất trong xuất khẩu, chỉ giảm nhiều lắm là 4 tỷ USD, xuống còn khoảng 514 tỷ USD. Trong những dự đoán của chính phủ, giá dầu mỏ được dự báo ở mức 103-104 USD/thùng. Thậm chí có chuyên gia còn dự đoán giá thực tế có thể còn ở mức cao hơn thế. Như vậy, nguồn thu ngân sách có thể sẽ tăng thêm.
Và điều đó có nghĩa là không có gì có thể đe dọa đồng tiền của Nga, nếu nói về mặt xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Deev nhận định “Đối với đồng rúp rủi ro lớn nhất là những căng thẳng địa chính trị và tốc độ dòng vốn chảy từ nước Nga ra bên ngoài”. Chuyên gia quản lý dịch vụ đầu tư của Ngân hàng Lanta, ông Roman Ermakov, thì cho rằng: “Sự suy giảm hiện nay trong xuất khẩu 4% so với cùng kỳ không quan trọng lắm đối với nền kinh tế quốc gia”. Theo ông, nhập khẩu giảm với tốc độ nhanh, giá dầu giảm có thể chỉ là một hiện tượng tạm thời. Nhu cầu nguyên - nhiên liệu giảm trong Eurozone cũng có thể được bù đắp bởi nhu cầu gia tăng về chính các mặt hàng này từ Trung Quốc và Ấn Độ, mà trong ba năm vừa qua đang tăng rất mạnh. Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng phải thừa nhận, xuất khẩu suy giảm có ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ của Nga: “Nếu so sánh với đồng tiền các nước đang phát triển, thì rõ ràng không phải ai cũng ủng hộ đồng rúp”.
Ông Alexander Pozdnyshev, Trưởng ban quản lý các dự án xã hội thuộc ngân sách nhà nước, cảnh báo “Giá dầu giảm có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế Nga, vì không gì có thể thay thế khoản thu nhập bị mất đó. Giá dầu thô Brent giao dịch trong 2 tháng vừa qua đã giảm 12%, xuống còn 102 USD/thùng. Ngân sách của Nga trong năm nay đã được hoạch định ở mức giá dầu 93 USD/thùng. Vì vậy, trong năm 2014 Nga vẫn có thể chống đỡ nếu giá dầu giảm sâu hơn. Trong hai năm tiếp theo, ngân sách được hoạch định ở mức 95 USD/thùng, và có khả năng giá dầu còn có thể thấp hơn giá này. Khi đó chính phủ sẽ buộc phải cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội và các dự án cơ sở hạ tầng cũng sẽ không nhận được nguồn tài chính hào phóng”.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu dòng chảy của đồng USD từ nguồn xuất khẩu dầu mỏ chảy vào nền kinh tế Nga bị chậm lại, trong khi các nhà đầu cơ lại thao túng giá đồng rúp, thì không loại trừ khả năng đồng rúp tiếp tục bị phá giá, thậm chí đẩy lên đến 1 USD = 40 rúp. Tuy nhiên, theo lời ông Pozdnyshev, “phần lớn hậu quả của giá dầu giảm thể hiện rõ nhất ở những khu vực được ngân sách nhà nước Nga trợ cấp, khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tình hình kinh tế xấu đi”.
Ông Sergay Eremenko, nhà phân tích tài chính dịch vụ đầu tư, nhận định: “Những thiệt hại từ sự sụt giảm xuất khẩu của Nga chính là hậu quả của các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn rất nhiều, so với sự đáp trả của Nga là hạn chế nhập khẩu nông sản của các nước phương Tây”. Thêm nữa, dòng chảy nguồn vốn từ nước Nga ra ngoài ngày càng tăng. Tất cả điều đó không thể không tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga, mà chúng ta sẽ ngày càng thấy rõ hơn trong thời gian tới.