Báo Mỹ: Vịnh Cam Ranh quyết định “số phận” Biển Đông
Theo TNI, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngang ngược, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải tìm hiểu chính xác quốc gia Đông Nam Á nào kiên quyết hay không kiên quyết chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Sở dĩ Việt Nam được coi là nước kiên quyết nhất với Trung Quốc bởi theo TNI, hải quân Việt Nam đã nhiều lần dũng cảm đối đầu với quân Trung Quốc để bảo vệ quần đảo Trường Sa, cùng với hải quân các nước láng giềng tập trận chung ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cương quyết buộc Bắc Kinh phải từ bỏ ý tưởng giải quyết tranh chấp với từng nước riêng lẻ.
Ảnh vệ tinh Vịnh Cam Ranh. |
Ngoài ý chí kiên định đó, Việt Nam còn có căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh. TNI nhận định, đây được xem là một trong những cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của cảng này lớn hơn nữa khi có một sân bay gần đó để máy bay ném bom chiến lược và máy bay vận tải hạng nặng hoạt động. Nếu Việt Nam cho phép cường quốc hải quân nào đó được hoạt động lâu dài ở Vịnh Cam Ranh thì các quốc gia khác sẽ gần như không thể độc chiếm Biển Đông, thậm chí ngay cả khi cướp được quyền kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp.
Bởi có được sức mạnh đó nên trong thời gian Mỹ xâm lược Việt Nam, Vịnh Cam Ranh trở thành một trung tâm hậu cần chủ chốt, một căn cứ chiến lược và một địa điểm quan trọng để điều trị cho các lính Mỹ bị thương. Chiến tranh kết thúc, chính phủ Việt nam đã nhiều lần hiện đại hóa Vịnh Cam Ranh.
Mỹ
Nhận thấy tầm quan trọng của Vịnh Cam Ranh đối với Biển Đông, Mỹ là nước đầu tiên muốn được phép tiếp cận Cam Ranh. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, mối quan hệ kinh tế và an ninh Việt – Mỹ đã phát triển mạnh mẽ. Năm 2014, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam (được áp dụng từ những năm 1980). Hiện Washington đang tiếp tục có ý định xóa bỏ hẳn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam hiện diện trên quân cảng Cam Ranh. |
Việc Mỹ được phép tiếp cận lâu dài Vịnh Cam Ranh đồng nghĩa với một sự khẳng định mạnh mẽ cho mối quan hệ đang nhiều triển vọng giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời vô hiệu hóa nhiều căn cứ Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Mặt khác, theo TNI, nếu điều đó xảy ra, mối quan hệ Việt – Trung sẽ “xuống cấp” nghiêm trọng.
Nga
TNI khẳng định, Nga là nước thể hiện rõ ràng nhất mong muốn tiếp cận lâu dài Vịnh Cam Ranh. Trong lần hiện đại hóa Vịnh Cam Ranh gần đây, Việt Nam đã thuê nhiều chuyên gia Nga và cho phép Nga sử dụng sân bay để tiếp nhiên liệu cho máy ném bom Nga. Đó là một mối đe dọa không hề nhỏ với Mỹ.
Việc tiếp cận lâu dài ở Cam Ranh cũng có ý nghĩa tượng trưng lớn đối với Nga. Nó không chỉ giúp ích cho chiến lược rộng lớn hơn của Điện Kremlin về việc phục hồi vị thế trên trường quốc tế và đóng vai trò quốc tế một cách chủ động hay tích cực hơn .
Vịnh Cam Ranh sẽ quyết định “số phận” Biển Đông? |
Việt Nam và Nga có mối quan hệ quân sự lâu năm rất tốt đẹp. Theo TNI, quân đội Việt Nam vẫn đang mua rất nhiều vũ khí từ Nga bao gồm nhiều tàu ngầm lớp Kilo trị giá 2,6 tỉ USD. Việt Nam cũng đã nhiều lần cho phép hải quân Nga tới Cam Ranh.
Tuy nhiên, gần đây, Nga lại khiến Việt Nam thất vọng khi chỉ trích việc quốc tế hóa các tranh chấp Biển Đông và kêu gọi giải quyết thông qua đối thoại song phương giữa các bên liên quan (giống yêu cầu của Bắc Kinh hòng chèn ép các nước láng giềng nhỏ hơn).
Nếu vậy, theo TNI, Nga sẽ không thể đạt được thỏa thuận sử dụng độc quyền đối với Vịnh Cam Ranh của Việt Nam.
Nhật
Người Nhật vốn cũng chẳng xa lạ với Vịnh Cam Ranh. Gần đây, hai tàu khu trục của Nhật đã đến đây. TNI nhận xét, hành động trên của Nhật Bản là nhằm tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo TNI, Việt Nam sẽ khó có khả năng cho phép Nhật Bản hoạt động lâu dài ở Cam Ranh. Nguyên nhân là bởi nó sẽ dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực. Quân đội Nhật Bản từng dùng Vịnh Cam Ranh để tấn công Malaysia vào năm 1942.
Ngoài ra, chính người dân Nhật, vốn đang tức giận với việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp để nới lỏng những hạn chế cho quân đội, có thể sẽ không đồng ý việc chính phủ đưa quân tới Cam Ranh.
Trung Quốc
Theo TNI, dù đang cố tình chèn ép Việt Nam trên Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn có mơ ước được sử dụng căn cứ Cam Ranh. Tất nhiên, Việt Nam sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Tóm lại, TNI cho rằng, Mỹ, Nhật, Trung Quốc hay Nga đều sẽ không đạt được “ý nguyện” với Cam Ranh bởi Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố không có ý định kí thỏa thuận quân sự về việc sử dụng căn cứ Cam Ranh với bất kì nước nào.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.