Báo Mỹ: Trung Quốc tác quái trên Biển Đông do Washington 'nhu nhược'
Theo tin của Tân Hoa Xã phát đi ngày 26/3, một đội gồm 4 tàu do tàu đổ bộ Jinggangshan dẫn đầu đã tới bãi đá James Shoal mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Bãi ngầm James chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km, nhưng cách đất liền Trung Quốc tới 1.800km. Đáng chú ý, Malaysia là một trong những nước kêu gọi Mỹ giúp đối phó với các hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng chiếm đoạt vùng biển rộng gần 2 triệu km2 này.
![]() |
Tàu Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. |
Theo nhà phân tích Michael Auslin, việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận tại khu vực "cực nam" Biển Đông cho thấy chiến lược lấy châu Á làm “trọng tâm” nhưng đang được thực hiện nửa vời của chính quyền Mỹ đã gây ra một số hậu quả cho các quốc gia như Philippines và Nhật Bản.
“Chúng ta đang mất dần uy tín của mình với các đồng minh và bạn bè khi không tham gia vào vấn đề này. Trung Quốc diễn giải việc Mỹ không hành động có nghĩa là bật đèn xanh để nước này lấn tới”, ông Auslin nói trên tờ USA Today (Mỹ).
Trong số các con tàu được Trung Quốc điều động ra Biển Đông có con tàu Jinggangshan - tàu đổ bộ hiện đại nhất của hải quân nước này. Tân Hoa Xã cho biết các thủy thủ trên con tàu này đã thề sẽ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ “chiến đấu hết mình để biến giấc mơ về một quốc gia vĩ đại thành hiện thực”.
Malaysia cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở và nhằm mục tiêu chiếm đoạt tài nguyên dầu khí ở trong khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia được quốc tế công nhận.
Stephanie Kleine - Ahlbrandt, giám đốc khu vực Đông Bắc Á của Tổ chức khủng hoảng quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên về phòng chống xung đột, cho rằng cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc đi theo đúng chiến lược của nước này là “dịch chuyển từ một cường quốc trong đất liền thành một cường quốc hàng hải”.
Bà Kleine-Ahlbrandt cho rằng trong 2 năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy việc thực thi chiến lược này bằng cách tỏ ra ngày càng kiên quyết hơn trong các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình.
Còn theo nhà phân tích Gary Li, việc điều động đội tàu này là “một thông điệp mạnh mẽ một cách bất ngờ” của chính quyền Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Đó không chỉ là vấn đề có một số tàu xuất hiện ở đây ở kia mà là sự xuất hiện của một con tàu đổ bộ hiện đại chở theo các lính thủy đánh bộ cùng với tàu đệm khí và một số tàu hộ tống loại tốt nhất. Từ trước đến nay chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một đội tàu lớn như vậy xét cả về số lượng lẫn chất lượng xuất hiện ở Biển Đông”, ông Li nói.
Nhà phân tích Auslin cho rằng Hoa Kỳ nên đáp trả lại hành động này của Trung Quốc nhằm thể hiện nhiệm vụ đảm bảo rằng Biển Đông sẽ không thuộc về một quốc gia đơn lẻ nào. Ông cho rằng Nhà Trắng nên tăng cường tần suất xuất hiện của các tàu chiến của nước này ở đây nhằm cho Trung Quốc thấy rằng “chúng tôi sẽ có mặt ở đó”. Theo ông, điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự tự tin của các đồng minh rằng Hoa Kỳ luông đứng lên đối đầu với các thách thức từ người láng giềng khổng lồ của họ (Trung Quốc).
Hoa Kỳ vẫn luôn tuyên bố rằng nước này muốn tất cả các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua các qui chế luật pháp quốc tế. Tuy nhiên chuyên gia Auslin cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến thì tuyên bố đó của Hoa Kỳ gửi đến một thông điệp rằng nước này sẽ không đối đầu với Trung Quốc.
Ông cho rằng lối hành xử của Trung Quốc sẽ làm tổn hại tới chính sách kéo dài 100 năm qua của Hoa Kỳ là không thể áp dụng lí lẽ “sức mạnh là lẽ phải” cho các tuyến đường hàng hải dành cho tất cả các quốc gia.
“Liệu chúng ta có mong muốn chứng kiến một môi trường quốc tế chuyển sang hướng mối quan hệ giữa các nước được quyết định bởi kẻ mạnh nhất không? Đó là thế giới của thế kỷ 19 rồi”, chuyên gia Auslin nhận xét.