Báo Mỹ: Triều Tiên ngày càng nguy hiểm và cô lập
Nếu tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch hôm 6/1 là đúng sự thật, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải chịu thêm lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc (LHQ). Hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên sẽ khiến nước này bị cộng đồng quốc tế tiếp tục xa lánh cũng như ảnh hưởng tới mối quan hệ ngoại giao giữa Bình Nhưỡng với Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng trên hết là đe dọa an ninh khu vực Đông Á.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Tuy nhiên, giới chuyên gia hạt nhân vẫn tỏ ý nghi ngờ về độ chân thật trong tuyên bố của Triều Tiên. Do đó, họ sẽ cần một vài tuần tới để đưa ra kết luận chính xác về chuyện gì đã gây ra trận động đất mạnh 5,1 độ richter vào sáng ngày 6/1, cách khu vực thử hạt nhân Punggye-ri khoảng 49km.
Theo tạp chí National Interest, ông Robert A. Manning, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định nếu so với Iran, lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt với Triều Tiên còn "quá nhẹ tay".
Trong khi Tehran bị cấm vận cả về kinh tế và chính trị thì LHQ mới chỉ áp đặt lệnh trừng phạt cấm buôn bán và nhập khẩu vũ khí, đóng băng tài sản, trừng phạt các công ty và cá nhân liên quan tới chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Đặc biệt, LHQ còn đưa ra lệnh trừng phạt vô cùng hà khắc khi cấm Iran sử dụng dịch vụ giao dịch tài chính quốc tế SWIFT, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này.
Chắc chắn nếu thông tin thử bom nhiệt hạch là đúng sự thật, trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ phải nhận thêm lệnh trừng phạt khi mà Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp hôm 6/1. Bởi lâu nay, cùng với chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên. Song mấu chốt vấn đề là liệu Trung Quốc và Nga có sẵn sàng đưa ra lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Xét trên phương diện ngoại giao, cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch sẽ tác động không nhỏ tới quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Hàn Quốc nhất là trong bối cảnh, Bắc Kinh đang có những nỗ lực hàn gắn với Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã cử ông Lưu Vân Sơn, một thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 70 thành lập đảng Lao động hồi tháng 10/2015. Thậm chí, một số nguồn tin cho rằng sau chuyến thăm tới Bình Nhưỡng, ông Lưu còn mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Bắc Kinh tham dự một cuộc họp thượng đỉnh.
Do đó, cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên sẽ giống như một cú tát với Trung Quốc cũng như ảnh hưởng tới những chính sách hiện thời của Bắc Kinh. Ngoài ra, vụ thử nghiệm này sẽ là đòn bẩy để Mỹ - Hàn – Nhật tăng cường quan hệ hợp tác an ninh cũng như triển khai chương trình hỗ trợ phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên sẽ càng khiến Hàn Quốc thêm quyết tâm trang bị khí tài khi mà lâu nay, Seoul đang tranh luận nên hay không nên mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ngoài ra, nỗ lực hàn gắn quan hệ thông qua các cuộc đối thoại song phương Hàn - Triều cũng có nguy cơ bị đổ vỡ.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nhiều lần hứa hẹn cải thiện nền kinh tế quốc gia thông qua hàng loạt chính sách mới như tự do hóa ngành nông nghiệp hay mở cửa 17 đặc khu xuất khẩu để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Song các cuộc thử nghiệm hạt nhân và lệnh trừng phạt của LHQ sẽ khiến giới nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại đặt chân tới Triều Tiên.
Câu hỏi đặt ra là sự cô lập của thế giới sẽ ảnh hưởng tới chính quyền của ông Kim như thế nào trong vòng 1 – 2 năm tới. Nhưng rõ ràng, vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch ngay đầu năm 2016 là dấu hiệu cho thấy một năm đầy bất ổn an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, theo ông Manning.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.