Báo Mỹ: Lần đầu tiên Hoa Kỳ bị Nga “qua mặt”
Nhà bình luận Leonid Bershidsky mới đây đã có bài viết trên tờ Bloomberg, trong đó nhận định rằng một trong những "thất bại" quan trọng nhất của Tổng thống Barack Obama là làm cho Mỹ không còn là cường quốc thống trị thế giới nữa.
Và một thực tế mới bây giờ là Mỹ có thể bị qua mặt.
Tổng thống Mỹ Obama |
Nhà báo này cho biết, Nga chính là người đi đầu trong xu hướng mới khi mà trong tuần qua, người đứng đầu Bộ Ngoại giao nước này cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Moscow để thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Syria.
Mỹ đã không "có chân" trong cuộc họp này. Sau cuộc hội đàm, các bộ trưởng đã ra tuyên bố, theo đó các nước này sẵn sàng trở thành người bảo đảm cho các thỏa thuận giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, tất cả những nước "có ảnh hưởng đến tình hình ở Syria" đều có thể tham gia sáng kiến này.
Nhà bình luận lưu ý rằng những kêu gọi theo kiểu này đã được người Mỹ sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh theo cách thức riêng của mình. Và giờ đây, ba nước trên đã cảm thấy họ đủ sức để thực hiện vai trò lãnh đạo tại khu vực hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo - mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây.
Nhà báo Bershidsky nhận xét: "Tuy rằng Nga không phản đối những cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng cũng đã nhiều lần tranh luận với Mỹ về vấn đề Syria. Mà một trong những nguyên nhân là do chính quyền ông Obama chưa bao giờ tìm ra được cách thức đối phó với Tổng thống Putin".
Trong một bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, dù cho các liên lạc vẫn được duy trì, nhưng ông nhận thấy cứ mỗi lần Nga và Mỹ đồng tình về vấn đề gì, thì y như rằng người Mỹ lại tìm cách trốn tránh các thỏa thuận đã đạt được và lại bắt đầu "rao giảng". Do đó, Moscow đã tìm đến các cầu nối khác ở Trung Đông để đạt được cơ chế giải quyết.
Nhà bình luận này lưu ý: "Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út và Qatar đã không phản bội lại Mỹ khi đàm phán riêng với Moscow, nhưng đồng thời các nước này không thấy cần phải kết nối với Mỹ để thảo luận về vấn đề này".
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. |
Ông Bershidsky nhắc lại rằng người dân Anh đã ủng hộ Brexit mặc cho những cảnh báo của Washington. Còn giờ đây, chính phủ Anh, một đồng minh then chốt của Mỹ ở châu Âu, lại tiếp tục bỏ qua các lợi ích của Hoa Kỳ, khi không đảm bảo tương lai của các thỏa thuận với EU.
Hầu hết các thành viên khác của Liên minh không có mối quan hệ thân thiết với Mỹ như Anh, và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khối này cũng đang giảm dần.
Theo nhà báo này, xu hướng rời xa Mỹ ngày càng tăng lên là hậu quả của việc không thống nhất trong chính sách đối ngoại của ông Obama. Tổng thống sắp mãn nhiệm đã gọi đó là định hướng giá trị, nhưng phần lớn thế giới đều không chia sẻ giá trị này với Hoa Kỳ, mà họ nghi ngờ sự hai mặt của người Mỹ và cáo buộc nước này kiêu căng.
Những tuyên bố kiểu này của Mỹ đòi hỏi Washington phải củng cố báo cáo về khả năng quân sự. Nhưng với các vấn đề như tình hình Trung Đông, Mỹ ít nhiều vẫn còn rất rụt rè. Tình hình Syria đã thuyết phục nhiều nhà lãnh đạo khu vực rằng Tổng thống Putin đã dám giúp đỡ và do đó nước này trở thành một đối tác quan trọng.
Nhà báo Bershidsky kết luận: "Dưới thời của ông Obama, Hoa Kỳ đã để lại ấn tượng như một nước chỉ tập trung vào lợi ích riêng của mình. Đôi khi chúng mang lại các giá trị, nhưng Mỹ không sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những giá trị này. Người Mỹ trong con mắt đồng minh vừa chủ động vừa bị động".