Báo Mỹ: Khi Trung Quốc hắt hơi, thế giới hơi rùng mình
Theo Washington Post, việc Trung Quốc mới đây buộc phải bán rẻ cổ phiếu và chứng kiến đồng nhân dân tệ rớt giá có thể dẫn tới nguy cơ phá giá thị trường. Và hiện tượng này từng xảy ra vào tháng 8/2015.
Ông Chris Morrison, Giám đốc Chiến lược quỹ vĩ mô của Omni cho rằng dù giới chức Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu hơn vào tỷ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ song họ vẫn không thể đối phó được các quy luật kinh tế cơ bản. Cụ thể, trong tuần qua, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm khi giảm 1,4% xuống mức 6,59 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD trên thị trường Thượng Hải.
Những biến động trên thị trường tài chính Trung Quốc tạo ra những tác động không nhỏ cho kinh tế toàn cầu. |
Xu hướng này khiến tỷ phú đầu cơ George Soro nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông này cho rằng hiện nay chính phủ Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn về khả năng điều chỉnh thị trường tài chính.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình trạng bong bóng tín dụng và đây cũng chính là lý do khiến chính quyền Bắc Kinh cần phải can thiệp mạnh tay hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện thời. Nhưng xét về khía cạnh tương lai thì không có gì làm chắc chắn. Điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ mà nó sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nước này. Theo dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 3 – 4% thay vì 6 – 7%.
Ngay từ thời điểm mở đầu năm mới 2016, đồng nhân dân tệ đã rớt giá mạnh, càng khiến giới đầu tư hoang mang về sức khỏe kinh tế Trung Quốc khi nền kinh tế nước này dịch chuyển từ mô hình dựa trên đầu tư và sản xuất sang mô hình lấy tiêu dùng và dịch vụ làm chính. Trong giai đoạn năm 2007 – 2015, tổng số nợ của Trung Quốc bao gồm cả của chính phủ, hộ gia đình và các tập đoàn đã tăng từ 7 ngàn tỷ USD lên 28 ngàn tỷ USD. Con số này chiếm 282% GDP Trung Quốc
Một thực tế nhức nhối hiện nay là nhiều ông chủ đang cho xây các thành phố mà không có người sinh sống, hay các công ty xây nhà máy mà không ai cần và chính quyền địa phương xây các sân bay không có người sử dụng. Trong đó, hơn một nửa khoản nợ của quốc gia đông dân nhất thế giới đến từ thị trường bất động sản và kể từ năm 2008, hơn 60% trong tổng số 40 thành phố lớn nhất tại Trung Quốc có dính líu tới hoạt động này. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn có thể duy trì giá bán nhà đất không bị sụt giảm bằng cách đưa ra các khoản nợ mới chồng chất lên các khoản nợ cũ. Song đây không được xem là một giải pháp mang tính lâu dài.
Thực tế, không ai có thể biết được chính xác tác động của các khoản nợ tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong khi không ai tỏ ra tin tưởng vào những con số chính thức được chính phủ nước này công bố. Song theo nhận định gần đây của cựu Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers, khoảng 20% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 đến từ dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, trong năm qua, một lượng lớn tiền đã được đưa ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc đầu tư và đỉnh điểm là tháng 12/2015. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc giới nhà giàu Trung Quốc tìm cách tẩu tán tài sản để tránh chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ.
Một lý do khác lớn hơn là tư tưởng của những người từng cho rằng đầu tư ngay tại Trung Quốc sẽ nhanh chóng thu lời cũng đã thay đổi. Khi đưa tiền ra nước ngoài, việc đầu tiên họ làm là bán đồng nhân dân tệ để mua USD. Một thực tế khác khiến đồng nhân dân tệ rớt giá là nhu cầu trao đổi bằng đồng nội tệ Trung Quốc cũng không nhiều. Ngay cả những người không đưa đồng nhân dân tệ ra nước ngoài đầu tư cũng sẽ quyết định bán đồng tiền này trước khi nó rớt giá mạnh hơn.
Đây là lý do Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn đồng nhân dân tệ bị mất giá quá nhiều. Các nhà phân tích tại quỹ đầu tư Merrill Lynch, trực thuộc ngân hàng Bank of America cho rằng Trung Quốc cần khoảng 1 – 1,5 nghìn tỷ USD trong số 3,4 nghìn tỷ dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nhân dân tệ. Hành động này có thể sẽ khích hoạt cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và hàng loạt quốc gia vốn hy vọng đồng nhân dân tệ ngày càng mất giá để hỗ trợ cho ngành xuất khẩu nước nhà.
Mối lo ngại hiện nay là sau khi giảm chi tiêu cho nguồn dự trữ ngoại hối, chính phủ Trung Quốc sẽ buộc phải để đồng nhân dân tệ tuột dốc và khiến nhiều nước khác cũng phải tiếp gót để không bị mất vị thế cạnh tranh xuất khẩu trong khi các thị trường mới nổi mà trước đó vay đồng USD rơi vào tình cảnh khó có thể trả nợ.
Hoàn cảnh này dù không bi đát bằng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 nhưng nó cũng tạo ra tác động không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang phải chật vật tìm cách phục hồi. Điều đó có nghĩa là kinh tế thế giới vẫn ổn định nếu sức khỏe Trung Quốc chỉ bị cảm nhẹ. Nhưng nếu thể trạng của Trung Quốc yếu hơn, kinh tế toàn cầu sẽ có nhiều biến động.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.