Báo động đỏ về kiến thức và kỹ năng của bác sĩ y tế cơ sở
“Nói thì hay, làm thì dở”
Tại TP.HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về y tế và dân số” nhằm thực hiện Chương trình công tác năm 2017.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, 13 nhận xét: “Có rất nhiều vấn đề nói trên lý thuyết thì rất hay, nhưng thực tế lại rất dở, như y tế cơ sở hay y học dân tộc”.
Ông Tiên cho biết, muốn y tế cơ sở phát triển nhưng cơ chế lại chỉ được sử dụng 10% quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thì rất khó để nâng tầm, thậm chí nhiều tỉnh chưa dành đủ 30% cho y tế dự phòng; nhiều xung đột trong hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế với Luật Khám chữa bệnh…
Đặc biệt, trước thông tin có một số địa phương đang áp dụng tự chủ cho hệ thống y tế cấp xã, phường, ông Tiên cho rằng điều đó đang đi ngược với chính sách đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hiện nay, về năng lực, về nhân lực, về tài chính và quy mô khám chữa bệnh thì trạm y tế chỉ đóng vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng, trên thế giới đều được bao cấp.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế nói chung với khoảng 50% tổng số lượt khám chữa bệnh. Tuyến y tế cơ sở là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của gần 90% bệnh nhân bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều vượt tuyến khi khám chữa bệnh bởi họ không tin tưởng vào chất lượng của y tế cơ sở. Công tác y tế dự phòng của y tế cơ sở rất rời rạc, không có tính toàn diện và liên tục.
Điều bất cập hiện nay là đang thiếu về số lượng nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, trong đó khó khăn trong tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, kiến thức và kỹ năng của nhân viên y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế…
Nghiên cứu tại 4 tỉnh về biến động nhân lực y tế cơ sở trong 5 năm cho thấy, số nhân lực y tế chuyển đi hoặc nghỉ việc bằng 50% số tuyển dụng mới. Lý do chủ yếu khiến các bác sĩ không muốn gắn bó với y tế cơ sở vì thu nhập thấp, phụ cấp đãi ngộ chưa thỏa đáng, điều kiện làm việc khó khăn, môi trường làm việc không thuận lợi, ít cơ hội được đào tạo.
Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh đưa ra con số đáng giật mình khi tỉ lệ bác sĩ đưa ra chẩn đoán đúng và điều trị đúng các bệnh như viêm phổi trẻ em, tăng huyết áp ở tuyến xã chỉ đạt trên 50%; Tỉ lệ bác sĩ đưa ra chẩn đoán đúng nhưng có chỉ định thuốc gây hại lên đến hơn 70%. Điều này một lần nữa báo động về kiến thức và kỹ năng của nhân lực y tế tuyến cơ sở.
Bà Oanh cho biết, mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế phủ rộng nhưng thiếu cơ chế gắn kết và phối hợp hoạt động giữa lĩnh vực y tế dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế các tuyến, công và tư. Các trạm y tế xã hiện tại đang tạo nên sự cắt đoạn, thiếu liên thông giữa các tuyến trong cung ứng dịch vụ y tế; mất cân đối trong phân bố nguồn lực giữa tuyến trên và y tế cơ sở.
Nguy cơ mất cân bằng quỹ bảo hiểm y tế
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ chính sách y tế một số nước, bà Nguyễn Thị Kim Phương (đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng, hiện nay, giữa y tế dự phòng và điều trị, giữa các trạm y tế và bệnh viện… chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ liên kết để chăm sóc và chữa bệnh cho người dân.
Vì vậy cần sự đầu tư thỏa đáng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, có một cơ chế tài chính đặc biệt cho y tế cơ sở.
Nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở như chủ trương tự chủ bệnh viện hoặc xã hội hóa y tế đã được đưa ra, nhưng nhiều chuyên gia băn khoăn trước tình trạng gia tăng xu hướng mất cân bằng quỹ BHYT tại các địa phương.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu thực tiễn: Từ 2016 bắt đầu áp dụng chính sách mới, nhiều tỉnh có sự mất cân bằng quỹ trên 200 tỷ đồng, phát sinh những vấn đề phức tạp, nhất là lạm dụng, gây khó cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế… ảnh hưởng không nhỏ đến tính nhân văn, hiệu quả mà chúng ta đã thực hiện trong lĩnh vực y tế suốt thời gian qua.
Ông Lợi cho biết: “Vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay là đưa ra các giải pháp để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong điều kiện kinh tế tài chính và BHYT cho phép. Nghĩa là không để mất cân đối. Nhưng không vì mất cân đối ở một vài địa bàn mà không chăm lo đến sức khỏe của nhân dân”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, cần thực hiện các chính sách, luật tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, mô hình bác sĩ gia đình để hạn chế gia tăng chi phí y tế; đồng thời, cần ủng hộ các biện pháp quản lý mới, có hiệu quả với các bệnh viện yếu kém như thuê tư nhân quản lý bệnh viện công.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới về tài chính y tế Việt Nam cho thấy, nước ta hiện đang chi tiêu cho y tế khá cao, cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một nửa trong số đó là chi tư cho y tế (từ tiền túi người dân chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 43%); hiện độ phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80%.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư phát triển một số mạng lưới y tế cơ sở cả về vật chất, nguồn nhân lực và tài chính để đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và chất lượng ngay tại nơi sinh sống.
Tuy nhiên, thách thức trong thời gian tới đây sẽ là rất lớn khi chi phí y tế ngày càng đắt đỏ; các bệnh lây truyền sẽ còn có xu hướng tăng; y tế tư nhân chưa đủ sức chia sẻ với nhà nước…
Trong khi đó, áp lực về nợ công; tổ chức bộ máy y tế công lập chưa thực sự hợp lý sẽ là rào cản không nhỏ khi thực hiện mục tiêu thúc đẩy tiến bộ, công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.