Báo chí Trung – Nhật khẩu chiến dữ dội
Ngay sau khi sự kiện này xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ ra vô cùng giận dữ và gọi đó là “hành động nguy hiểm” còn Trung Quốc lại ra sức phủ nhận việc làm này của mình đồng thời kêu gọi Nhật Bản “dừng ngay các hành động phi pháp”.
Phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đề nghị Trung Quốc “phải dừng ngay các hành động dọa dẫm láng giềng và không làm phức tạp thêm tình hình”.
Tàu Trung Quốc di chuyển gần khu vực quần đảo Senkaku |
Sau tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản, nhật báo Yomiuri Shimbun của nước này đã có bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ hành động của phía Trung Quốc và gọi đó là “hành vi khiêu chiến nguy hiểm”. Giới truyền thông Trung Quốc với truyền thống “đồng thanh” của mình cũng lên tiếng phản pháo và tất nhiên là những tiếng nói “to mồm nhất, mạnh mẽ nhất” vẫn là Thời báo Hoàn cầu, Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo và đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Trong một bài xã luận của mình, tờ Thời báo hoàn cầu của Bắc Kinh đã cho rằng phía Nhật Bản đã cố tình “làm to chuyện” vụ “khóa mục tiêu trên radar” để phát đi hồi chuông báo động trong công chúng Nhật Bản. “Nếu chính quyền của ông Abe thực sự đang muốn nhồi vào đầu công chúng Nhật về ý tưởng của một cuộc chiến tranh thì Trung Quốc cũng cần phải gửi đến một thông điệp tương tự đối với người dân của mình”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết với giọng điệu hung hăn và hiếu chiến thường thấy bấy lâu nay.
Tờ Tin tức Bắc Kinh bình luận rằng ông Thủ tướng Nhật đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự và kêu gọi xem xét lại bản Hiến pháp hòa bình của nước này bằng cách liên tục tố cáo và thổi phồng những hành động của quân đội Trung Quốc trên biển Hoa Đông. "Trong khi Mỹ vẫn tỏ thái độ thận trọng và không cam kết gì cụ thể nên trước khi tiến hành chuyến thăm Mỹ, ông Shinzo Abe đã thổi phồng sự kiện để nhấn mạnh đến “mối đe dọa Trung Quốc” nhằm tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ", tờ Tin tức Bắc Kinh viết.
Wen Wei Po – một tờ báo ở Hong Kong có quan điểm thân Bắc Kinh cho rằng “Nhật Bản có động cơ khác và cũng có một phần lỗi trong khi tố cáo ‘nạn nhân’ Bắc Kinh”. Tờ báo này cũng có quan điểm giống tờ Tin tức Bắc Kinh khi nhận định đó chẳng qua là hành động “hối thúc Mỹ mạnh mẽ hơn” trong mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Jiang Xinfeng, một chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản của Học viên khoa học quân sự Trung Quốc phát biểu trên tờ Trung Quốc Nhật báo rằng trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tỏ ra lo sợ trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc nên giới truyền thông Nhật thường phóng đại các sự việc liên quan để “đổ tội” cho Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong trích lời Ni Lexiong, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc phòng và năng lực biển của trường ĐH Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải trong đó không phủ nhận hành động nguy hiểm của Trung Quốc mà biện hộ rằng đó là hành động “phản ứng của quân đội Trung Quốc trước sự khiêu khích của Nhật Bản”.
Cũng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giáo sư Da Zhigang của Viện nghiên cứu khoa học xã hội Hắc Long Giang (Trung Quốc) tỏ ra “thật thà” hơn khi cho rằng hành động của phía Trung Quốc là để nhằm “thí nghiệm khả năng phản ứng trước các tình huống nguy cấp” của quân đội Nhật Bản.
“Nhưng hành động “thử phản ứng” này có thể bị hiểu sai và sẽ đẩy căng thẳng trên biển Hoa Đông vào một cuộc chiến tranh”, ông giáo sư này nói.
Báo chí Nhật Bản tuy không “hiếu chiến” như giới truyền thông Trung Quốc nhưng cũng bày tỏ những thái độ khá mạnh mẽ. Trong bài xã luận của mình, tờ Yomiuri Shimbun khẳng định: "Việc vượt qua ranh giới thông thường của các tập quán quốc tế bằng sức mạnh quân sự là một sự khiêu chiến nguy hiểm… Hiện, Trung Quốc không chỉ là phía liên tục quấy rối các nước láng giềng như Nhật Bản hay các nước Đông Nam Á ở Biển Đông mà còn là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản cần tăng cường sức mạnh hợp tác với Mỹ và các nước Đông Nam Á trong khi yêu cầu Trung Quốc phải có trách nhiệm hơn với những hành động gây căng thẳng của mình”.
Một bài báo khác cũng trên tờ Yomiuri Shimbun cho rằng Trung Quốc đang cố tình khoét sâu vào cuộc khủng hoảng của Nhật Bản bằng những hành động quân sự để gây sức ép buộc Nhật phải công nhận tuyên bố chủ quyền của họ trên vùng biển tranh chấp. “Trung Quốc đang tăng tốc và mạo hiểm trong khi có ý định gây chiến với Nhật Bản”, bài báo kết luận.
Tờ Mainichi Shimbun viết: "Hành động (khóa mục tiêu bằng radar) đó có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang và đó là sự khiêu chiến rất tồi tệ và nguy hiểm… Chính quyền Bắc Kinh và các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải hiểu rõ vấn đề nghiêm trọng này. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị phía Trung Quốc đừng bao giờ lặp lại những hành vi khiêu khích kiểu thế nữa”.
Trong một bài bình luận, tờ Nikkei Telecom 21 viết: "Các quan chức cao cấp của quân đội Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ra rất hung hăn và hiếu chiến. Họ phát đi những thông điệp sặc mùi súng đạn rằng những cuộc chiến tranh với Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam là “không thể tránh được”. Việc liên tục gây rối và khiêu khích các nước láng giềng của Trung Quốc chẳng qua là để kêu gọi cấp ngân sách nhiều hơn cho quân đội mà thôi”.