Báo chí hướng tới nguyên tắc mới 5I
Khi mà việc đưa tin không còn là thế mạnh độc quyền bởi sự “lên ngôi” của mạng xã hội, báo chí buộc phải dịch chuyển đầu tư vào chất lượng, giá trị thông tin trên từng sản phẩm.
Và nhiều người cho rằng, công thức 5I đã xuất hiện, thay thế nguyên tắc 5W + 1H truyền thống…
Nguyên tắc huyền thoại, bất tử
Rõ ràng 5W + 1H là nguyên tắc căn bản trong làm báo từ xa xưa đến nay, áp dụng chung cho tất cả các loại hình báo chí, mà mỗi phóng viên, biên tập viên đều nằm lòng. Đó là viết tắt của các từ tiếng Anh: What? When? Where? Who? Why? (Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Ai? Tại sao?), và How? (Như thế nào?).
Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người có thể chìm ngập trong biển thông tin rộng lớn, nhưng nhiều khi “bội thực” mà vẫn “đói” những thông tin, tri thức đúng đắn. Người làm báo đều hiểu, nguyên tắc 5W+1H là bất tử, không thể thay đổi. Nguyên tắc ấy áp dụng chung cho tất cả các nền báo chí trên thế giới. Bởi đơn giản, việc trả lời các các câu hỏi đó (không nhất thiết đầy đủ với mọi thể loại báo chí, mỗi tác phẩm báo chí) chính là quá trình cung cấp thông tin cho công chúng.
Bắt đầu từ cái gì xảy ra, có đáng để quan tâm, thu hút sự chú ý của xã hội hay không, đặc biệt là về quy mô, tính chất, tầm ảnh hưởng của sự kiện, vấn đề. Nếu đủ sức thu hút thì bạn đọc sẽ quan tâm đến việc nhà báo, cơ quan báo chí trả lời các câu hỏi tiếp theo trong công thức 5W+1H. Tất nhiên, mỗi câu hỏi trong nguyên tắc làm báo xuyên lịch sử này không nhất thiết phải xuất hiện đầy đủ trong từng tác phẩm báo chí, và đặc biệt nó có thể được chú trọng đào sâu, tập trung khai thác ở mỗi thể loại báo chí khác nhau.
Đó chính là lớp lang giá trị mà thông tin mang lại cho công chúng xã hội. Thực ra, ngay từ năm 1869, nhà phê bình văn học, âm nhạc, nhà báo người Mỹ Richard Grant White (1822-1885) đã có bài viết khẳng định rằng: “Trong hai nhánh của nghề báo, một là thu thập và phát hành tin tức, hai là thảo luận và giải thích những sự kiện được công khai, thì nhánh đầu cần thiết, căn bản hơn, còn nhánh sau quan trọng hơn”. Richard Grant White cho rằng, nhánh thứ hai có tính chất tranh luận của nghề báo, bởi nó “luôn định hướng, như một người cố vấn thường nhật, vừa truyền đạt thông tin, vừa giáo dục, mở rộng tầm hiểu biết về tư tưởng và tình cảm của con người” (trích trong cuốn “Bình luận ngắn –lý thuyết, kỹ năng và thực tiễn”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, trang 13-14 ).
Báo chí hướng tới nguyên tắc mới 5I. Ảnh minh họa: internet |
Chuyển hướng
Trong thời đại bùng nổ thông tin, truyền thông xã hội “lên ngôi”, tác động ghê gớm tới báo chí chính thống, thậm chí đe dọa sự sống của báo chí. Điều này không có gì phải bàn cãi!
Cuộc khủng hoảng báo chí, nhất là đối với báo in, diễn ra trên diện rộng khắp toàn cầu. Tôi nhớ trong chuyến công tác tại Canada hồi tháng 7/2019, có dịp tiếp xúc với nhiều nhà báo, những nhà nghiên cứu báo chí tại đất nước này, họ đều thừa nhận rằng khủng hoảng báo chí từ khi Internet xuất hiện là điều không thể tránh khỏi. Báo chí buộc phải thay đổi để tồn tại, sống chung với truyền thông xã hội.
GS. Antoine Char (Trường Đại học Quebec ở Montreal) khẳng định, báo chí Canada đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc, chỉ chưa đầy 50% số người Canada tin vào báo chí. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nổi cộm nhất là do báo chí tập trung quá nhiều vào những tin tức giật gân, gây sốc, bê bối nhiều người chú ý mà ít tập trung vào những vấn đề cốt lõi của đất nước, xã hội.
GS. Antoine Char cho rằng, báo chí mới chỉ phản ánh bề mặt, chứ chưa tìm hiểu tầng sâu, căn cốt, bản chất của đa số các sự kiện, vấn đề. Tuy nhiên, trong mọi cuộc khủng hoảng đều xuất hiện những cơ hội mới.
Trong khi đó, GS. Colin MacKenzie (Trường Đại học Toronto) cũng khẳng định, báo chí thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó vấn đề lớn nhất là làm thế nào để thuyết phục bạn đọc bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình. Một hướng đi khả thi đó là làm báo chuyên biệt về một chủ đề, lĩnh vực nào đó. Với một số tờ báo ở các quốc gia khác, điển hình là Mỹ, việc chú trọng đầu tư, đeo đuổi mục đích thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, chuyên đề một cách công phu, độc đáo, đa diện, nhiều chiều, mang tính tranh biện, lý giải, chứng minh đã mang đến những thành công bước đầu.
“Vào tháng 5/2018, New York Times thông báo dường như báo sắp đạt được điều mà họ không thể nghĩ đến chỉ cách đó vài năm: Gia tăng về tổng doanh thu. Những kết quả mà báo này đạt được bắt nguồn từ sự gia tăng liên tục về số thuê bao, chỉ tính riêng báo điện tử, tới 25,5% (hay 139.000 thuê bao) so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số thuê bao điện tử lên 2,8 triệu. New York Times có thể được coi là ví dụ hoàn hảo về thành công của thu phí báo điện tử nếu xét về quy mô”, theo khảo sát và phân tích của Innovation Media Consulting Group thực hiện năm 2019.
Trong cuốn “Những sáng tạo trong báo chí – báo cáo toàn cầu 2019-2020”, Giám đốc phụ trách phát triển khách hàng của New York Times, Lauren Reddy chỉ ra 12 mẹo sáng tạo nội dung hút khách, trong đó có: Viết dòng tít gây ấn tượng mạnh mẽ, sử dụng dữ liệu, tìm những câu chuyện có một không hai, cung cấp những thông tin đáng tin cậy, có giá trị thực tế, hãy nghĩ về câu chuyện trước khi nghĩ đến cách thể hiện…
Lấy lại niềm tin công chúng bằng cách nào?
Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng báo chí cũng diễn ra, dù sự tác động còn ở mức độ nhất định. Việc công chúng giảm sút niềm tin vào báo chí cũng tương tự như ở Canada và nhiều nơi khác. Nguyên nhân là báo chí sa đà vào những câu chuyện “giật gân, câu khách”, thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích… mà “buông lỏng”, “thờ ơ” trước những thông tin tích cực, các vấn đề quốc kế dân sinh… Những hạn chế này liên tục được nhắc đến, tìm cách chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Vào dịp Hội nghị Báo chí toàn quốc, tổng kết công tác cuối năm 2018, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan báo chí lưu ý một số nội dung, yêu cầu quan trọng. Đó là thông tin trên báo chí cần thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén. Các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ quy trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp…
Trong dòng chảy không ngừng cũng như biến động dữ dội của hệ sinh thái truyền thông trong nước và trên thế giới, nhiều cơ quan báo chí ở nước ta cũng đã chuyển hướng trong việc chuyển tải thông tin, cả về nội dung và hình thức. Sự chuyển dịch này chú trọng hơn tới nhánh thứ hai của nghề báo - mang tính tranh biện, dựa trên lý lẽ thuyết phục, tới các xu hướng mới của báo chí, như: Đa nền tảng (multi-media, multi-platform), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí sáng tạo (innovative journalism), siêu tác phẩm báo chí (digital mega-stories)… Chính vì thế, cũng xuất hiện quan niệm cho rằng, cần thay đổi công thức 5W thành 5I cho phù hợp với thực tế. Vậy 5I là gì? Đó chính là những chữ cái viết tắt từ tiếng Anh: Informed (Am hiểu), Intelligent (Thông minh), Interesting (Thú vị), Insightful (Sâu sắc) và Interpretation (Sáng tỏ).
Thực ra, 5I cũng không nằm ngoài nguyên tắc làm báo truyền thống 5W+1H. Nó chỉ biểu hiện cụ thể, rõ ràng, hợp thời hơn ở những giá trị thông tin mà báo chí mang lại từ việc trả lời những câu hỏi từ khi báo chí xuất hiện với sứ mạng chuyển tải thông tin tới bạn đọc dựa trên vai trò, trách nhiệm, chức năng của mình.
Đó chính là việc lựa chọn yếu tố nào để tập trung làm sâu sắc, công phu, sáng tạo, mới lạ, thông minh nhằm mang đến cho công chúng tiếp nhận những thông tin đa dạng, nhiều chiều, gợi mở, sâu sắc, lý giải, định hướng…
Khi mà việc đưa tin không còn là thế mạnh độc quyền, bởi mạng xã hội đã tiên phong, làm tốt, báo chí buộc phải dịch chuyển sự đầu tư vào yếu tố chất lượng, giá trị thông tin. Thực tế, rất nhiều cơ quan báo in đã chú trọng vào những thông tin chuyên sâu, những loạt bài chuyên đề, những thông tin phản biện xã hội, điều tra chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng…
Ngay cả những loại hình báo chí không phụ thuộc vào tính định kỳ xuất bản, có lợi thế làm trực tiếp như phát thanh, truyền hình, báo điện tử cũng chú trọng vào những thông tin được đầu tư bài bản, công phu, tâm huyết, sâu sắc, đổi mới, sáng tạo như vậy nhằm đưa đến những thông tin có chất lượng, chuyển tải những giá trị tốt đẹp, đích thực, tích cực, vững bền, nhân văn của cuộc sống. Và đó chính là sự lựa chọn, đi tìm sự khác biệt để báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin có chọn lọc, có chất lượng của công chúng. Đó chính là mục đích hướng tới việc đạt được các giá trị 5I của báo chí ngày nay, chứ không phải là những sự hời hợt, vội vã, thiếu kiểm chứng, “lá cải”, xấu, độc…
Dòng chảy chủ lưu và giá trị 5I
Thực tế, rất nhiều vấn đề lớn của xã hội, của đất nước, khi báo chí tập trung vào các giá trị 5I để chú trọng đầu tư, triển khai thực hiện nhằm cung cấp những sản phẩm báo chí chất lượng cao, đáp ứng đúng, trúng, sâu sắc, đa chiều, khách quan thông tin của công chúng, thì giá trị mang lại rất lớn.
Đó chính là việc nhà báo, cơ quan báo chí am hiểu, nhạy bén trong cách tiếp cận, khai thác, chuyển tải thông tin một cách kịp thời, chính xác, sâu sắc, sáng tỏ, thú vị, hấp dẫn… để thu hút công chúng.
Đó chính là việc báo chí phát huy tốt lợi thế của mình trong việc giúp công chúng hiểu bản chất căn cốt của thông tin, đặc biệt là những vấn đề lớn nhiều người quan tâm, còn có ý kiến trái chiều, từ đó giúp người dân hiểu, tin và làm theo.
Và đó cũng chính là việc báo chí góp phần quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, đi đầu trong việc bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ, góp phần xây dựng đất nước hùng cường…
Việc tập trung vào những giá trị cốt lõi 5I để triển khai 5W+1H sao cho đúng, trúng, đủ chắc chắn sẽ là xu thế mới của báo chí, để báo chí thể hiện đúng đắn, công bằng, sinh động dòng chảy chủ lưu của xã hội nước ta.
Điều đó cũng đáp ứng được yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 19/6/2019, rằng: Báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không để dòng phụ thành chính trên mặt báo, không được để xói mòn niềm tin xã hội…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dòng chảy chính là xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giữ gìn văn hóa dân tộc…
Dòng chảy chính là xã hội chúng ta tốt đẹp, công cuộc “Đổi mới” của đất nước đang làm Việt Nam thay đổi từng ngày, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Nước Việt Nam từ nghèo nàn, thiếu đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao.
Còn theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bây giờ, những giá trị cốt lõi của báo chí lại được đề cao hơn bao giờ hết. Giữa mớ hổ lốn thông tin thật giả tràn ngập, khi có những thông tin có kiểm chứng từ báo chí thì công chúng rất mong đợi. Ngoài ra, báo chí có nguồn lực để thực hiện các bài phóng sự, điều tra, bình luận, các bài viết sâu, mang tính phân tích mà trên mạng xã hội khó có hơn. Chính không gian mạng xã hội với hàng triệu người Việt Nam tham gia, lại làm cho báo chí khẳng định lại những giá trị cốt lõi của mình.
"Thời điểm này, báo chí gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức, nhưng sự vĩ đại chỉ sinh ra trong thời buổi khó khăn, chứ chưa bao giờ sự vĩ đại sinh ra trong thời dễ dãi", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Tôi đề nghị hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... Đó là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 19/6/2019. |
TS. Nguyễn Tri Thức