Báo cáo chính thức vụ MH17: Tên lửa Buk bắn rơi máy bay, chưa rõ thủ phạm
Ngày 13/10, Chủ tịch Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB), ông Tjibbe Joustra cho biết đầu đạn bắn rơi máy bay khớp với loại dùng trên tên lửa Buk, một loại vũ khí của Nga. Tuy nhiên ông Joustra nói rằng, các quan chức Nga tham gia vào cuộc điều tra nói rằng việc xác định chính xác đầu đạn hoặc chủng loại tên lửa là không thể.
Các mảnh vỡ của MH17 được dựng lại tại căn cứ Gilze-Rizen ở Hà Lan, nơi báo cáo kết luận được công bố. |
Ông Joustra nói rằng, chính quyền Ukraine đã sai lầm khi không đóng cửa không phận, và tất cả các bên liên quan “đều không nhận ra được hiểm họa đối với máy bay dân sự khi dưới mặt đất đang có xung đột vũ trang”.
“Có rất nhiều lý do để các nhà chức trách Ukraine tiến hành việc đóng cửa không phận ở miền Đông đất nước”, ông Joustra phát biểu tại căn cứ không quân Gilze-Rijen tại Hà Lan.
Trong báo cáo, DSB cho biết “những mảnh kim loại trong đầu đạn” phát tán từ vụ nổ đã ngay lập tức giết chết ba người trong tổ bay. Các mảnh này không được tìm thấy trong thi thể của những nạn nhân khác.
“Kết quả của vụ nổ là, hàng loạt những hiện tượng khác nhau đã xảy ra, bao gồm việc máy bay tăng và giảm tốc đột ngột, áp suất khoang hành khách giảm, lượng oxy trong không khí giảm, nhiệt độ lạnh, sau đó máy bay hạ độ cao nhanh chóng”, báo cáo viết.
“Ủy ban An toàn Hà Lan không phát hiện bất kỳ những dấu hiệu nào cho thấy hành khách có những hành động có ý thức sau khi tên lửa phát nổ. Rất có thể họ không nhận ra được tình hình đang diễn ra xung quanh”.
Tuy nhiên, việc xác định bên nào đã gây ra vụ việc này sẽ không dễ dàng. Người đứng đầu ban điều tra của Hà Lan, ông Fred Westerbeke cho biết hoạt động của họ sẽ còn tiếp tục đến năm 2016, và việc tìm ra chứng cứ là một gánh nặng lớn.
“Sau cùng, chúng tôi xác định rằng không có loại vũ khí nào khác ngoại trừ tên lửa Buk có thể gây ra sự việc này và mọi giả thiết khác đều bị loại trừ”, ông Westerbeke nói.
Cũng trong ngày 13/10, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu: “Chúng ta phải nỗ lực để những kẻ đã gây ra thảm họa này phải chịu hình phạt thích đáng”. Ông cũng nói thêm rằng cuộc điều tra đã “có ảnh hưởng rất lớn” đối với quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan và Nga.
“Tôi muốn kêu gọi chính quyền Nga hãy tôn trọng và đồng thời hợp tác chặt chẽ vào quá trình điều tra mà các công tố viên đang thực hiện”, ông Rutte trả lời trước báo giới.
Chiếc máy bay Boeing 777 có số hiệu chuyến bay MH17 bị bắn rơi vào ngày 17/7/2014 khi đang bay từ Amsterdam tới Malaysia. Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng.
Một góc hiện trường nơi chiếc máy bay xấu số rơi xuống tại miền Đông Ukraine. |
Quốc gia có số người chết nhiều nhất trong vụ việc này là Hà Lan, khi có 196 công dân trên chuyến bay này. Ngoài ra, một vài người Malaysia, Úc, Anh, Indonesia, Bỉ, Đức, Philippines và Canada cũng có mặt trên máy bay.
Những tranh cãi về trách nhiệm của vụ việc đã khiến quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây trở nên căng thẳng. Vài quốc gia châu Âu và chính phủ Ukraine đã cáo buộc quân ly khai thân Nga đã bắn hạ máy bay nay.
Trong khi đó, quân nổi dậy và chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng quân đội Ukraine đã bắn rơi MH17 bằng tên lửa đất đối không hoặc một máy bay chiến đấu của họ.
Trước khi thảm họa MH17 xảy ra, các nước phương Tây đã cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Ukraine. Mỹ và Liên minh Châu Âu đã áp đặt cấm vận kinh tế đối với Nga để trừng phạt việc này cũng như sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.