Bài toán nào cho vấn đề Syria?
Phản ứng mạnh mẽ này của Mỹ đi kèm với những dấu hiệu cho thấy có vẻ như Mỹ đang bước gần hơn đến những hành động quân sự đối với Syria. Lực lượng hải quân Mỹ đã được cử tới các vùng ven biển Syria, mặc dù Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo rằng không nên có một quyết định quá vội vàng.
Các tàu khu trục của Mỹ đã áp sát Syria. |
Pháp, Anh, Israel và một số nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi có hành động quân sự nhanh chóng đối với chế độ của ông Assad khi xác định được rằng chính phủ Syria đã sử dụng các chất hóa học. Trong bối cảnh đó, kết luận của nhóm điều tra LHQ có một tác động lớn đối với cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 2 năm ở Syria.
Các chuyên gia của LHQ hiện đã ở Syria trước khi cáo buộc trên được đưa ra và sẽ bắt đầu điều tra vào ngày 26/8 về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học này ở các vùng ngoại ô phía đông của thủ đô Damascus.
‘Hoàn toàn vô căn cứ’
Các nhà hoạt động chống chính phủ và các Bác sĩ Không biên giới (Doctors Without Borders) cho biết có hơn 300 người ( thông tin trước đó của các báo địa phương là 1.300 người) đã thiệt mạng khi bị các lực lượng chính phủ tấn công bằng cả khí độc hôm 21/8. Tuy nhiên, chính phủ Syria cho rằng những lời buộc tội trên là "hoàn toàn vô căn cứ".
Các vùng ngoại ô ở phía đông Ghouta, hiện đang thuộc sự kiểm soát của phe nổi dậy, được cho là đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Khu vực này đã bị chính phủ tấn công bằng pháo binh và máy bay chiến đấu trong nhiều ngày. Các thanh sát viên của LHQ sẽ phải thông qua cả chính phủ và phe đối lập để khoanh vùng cho việc điều tra. Phe nổi dậy cũng cho biết sẽ tạo điều kiện cho các thanh sát viên.
Cột khói đen bốc lên từ cuộc bắn phá ở phía đông Damascus, Syria, hôm 25/8/2013. |
Phát ngôn viên của Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết trong một tuyên bố, theo thỏa thuận với LHQ hôm 25/8, chính phủ Syria "đã khẳng định sẽ sẵn sàng hợp tác, bao gồm cả việc thực hiện các hiệp định đình chiến tại các địa điểm liên quan đến cáo buộc trên".
"Gần như chắc chắn"
Tại Washington, một quan chức cấp cao nói rằng Hoa Kỳ có "rất ít nghi ngờ" hay gần như tin rằng các lực lượng chính phủ đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/8, khi dựa trên những thông tin về số nạn nhân, triệu chứng của người bị giết và người bị thương và cả những thông tin thu thập được từ cộng đồng tình báo Mỹ.
Vị quan chức giấu tên này còn cho rằng việc chính phủ Syria cho phép LHQ là "quá muộn" và "không thể tin tưởng" vì việc chính phủ liên tiếp pháo kích vào những địa điểm này đã “phá hỏng đáng kể" những bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học.
Mỹ và đồng minh bàn bạc khẩn về Syria
Một quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã nói chuyện với các nhà ngoại giao hàng đầu của Anh, Pháp, Canada và Nga cũng như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon .
Cũng theo nguồn tin này, ông Kerry đã nhấn mạnh rằng nếu chế độ Syria muốn chứng minh với thế giới rằng họ không sử dụng vũ khí hóa học thì đáng lẽ ra đã phải ngừng bắn phá khu vực này và cho phép LHQ điều tra ngay lập tức sau khi vụ việc xảy ra, cách đây 5 ngày.
Binh sĩ quân đội Syria ở khu Jobar của Damascus, Syria hôm 24/8/2013 |
Trong khi đó, hôm 25/8, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel không hé lộ gì về những phản ứng của Mỹ đối với Syria và cho biết chính quyền Obama vẫn đang đánh giá những thông tin tình báo về cuộc tấn công hôm 21/8 ở Syria.
Khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng sử dụng hành động vũ lực đối với chính phủ Syria hay không, ông Hagel nói: "Khi chúng tôi có thêm thông tin, câu trả lời sẽ rõ ràng hơn”.
“Bất kỳ phương án nào được sử dụng hay không được sử dụng; hành động hay không hành động đều có những rủi ro và hệ lụy”.
"Bạn phải tìm ra được trung tâm của mục tiêu là gì nếu bạn muốn theo đuổi một hành động hoặc không theo đuổi một hành động. Vì vậy, [chính quyền Obama] đang đánh giá mọi yếu tố".
Mỹ có khoảng hơn 10 máy bay phản lực F-16, một khẩu đội tên lửa Patriot và có tới 1.000 binh sĩ Mỹ đang ở Jordan, láng giềng của Syria. Tất cả những vũ khí này có thể sử dụng trong bất kì hành động quân sự nào của Mỹ. Trong những ngày gần đây, các quan chức quốc phòng và chính quyền Mỹ cho biết có thể sẽ bố trí thêm tàu chiến có tên lửa hành trình Tomahawk ở Địa Trung Hải.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Lindsey Graham, những người đã chỉ trích cách tiếp cận ‘nhẹ tay’ của chính quyền Obama đối với Syria, cho biết trong một tuyên bố chung rằng, cáo buộc về cuộc tấn công hóa học mới nhất này chính là “thời điểm để đưa ra hành động có tính quyết định". Tuyên bố cho rằng: "Mỹ cần phải tập hợp bạn bè và đồng minh để có những hành động quân sự có hạn chế ở Syria nhằm thay đổi cán cân quyền lực và tạo điều kiện để dẫn đến một kết thúc bằng đàm phán cho những xung đột ở Syria, chấm dứt sự cai trị của chế độ Assad”.
Tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng các bằng chứng đã cho thấy cuộc tấn công tuần trước đã sử dụng vũ khí hóa học và "tất cả mọi thứ" đều khiến Pháp tin rằng chế độ Assad chính là kẻ đã đứng đằng sau những vụ tấn công này.
Văn phòng của ông Hollande cho biết ông đã nói về tình hình ở Syria qua điện thoại với ông Obama, cũng như thủ tướng David Cameron của Anh và Kevin Rudd của Úc hôm 25/8. Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã thảo luận về những "phản ứng của cộng đồng quốc tế và nhất trí tiếp tục tham vấn chặt chẽ với nhau".
Chỉ hơn một năm trước, Obama đã vạch ra giới hạn đỏ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và cảnh báo sẽ có hậu quả rất lớn nếu Syria vi phạm. Kể từ đó, tình báo Mỹ luôn tin rằng loại vũ khí này đã được chính phủ Syria sử dụng quy mô nhỏ nhiều lần, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng mạnh mẽ để Mỹ có hành động đáng kể chống lại chế độ Assad.
Thái độ của Chính phủ Syria và đồng minh
Nga, một đồng minh thân cận của chế độ Assad đã hoan nghênh quyết định cho phép LHQ điều tra của Syria và nói rằng Mỹ cần phải chờ đợi kết quả và rằng việc sử dụng vũ lực đơn phương sẽ là một sai lầm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Washington và các đồng minh châu Âu không nên thực hiện một "canh bạc" có thể gây "hậu quả thảm khốc" cho Syria và khu vực nói chung.
Tại Damascus, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi nói rằng Hoa Kỳ đã dùng những lời cáo buộc tấn công hóa học trên như là một "cái cớ" để can thiệp vào Syria và cáo buộc Washington cũng như châu Âu đã làm ngơ khi Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí hóa học cho các máy bay chiến đấu của chiến binh nước ngoài ở Syria.
Ông al-Zoubi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP tại thủ đô Syria rằng: "Những chất này đến từ Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ" và rằng máy bay chiến đấu nước ngoài đã tấn công bằng vũ khí hóa học và sau đó đổ lỗi cho chính phủ Syria nhằm thúc đẩy sự can thiệp quân sự quốc tế.
Ông nói: "Người Mỹ thay vì tìm kiếm nguồn gốc của các loại vũ khí hóa học ở Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, thì họ lại họ chờ đợi chúng được sử dụng để lấy cớ can thiệp vào Syria".
Iran, một đồng minh thân cận của chế độ Assad cũng đã cảnh báo chống lại một động thái quân sự của Mỹ đối với Syria. Hãng tin Fars dẫn lời Tướng Masoud Jazayeri rằng "việc xâm nhập vào Syria bằng cách sử dụng giới hạn đỏ sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Nhà Trắng".