Bác sĩ trải lòng về nghề: Quay cuồng giữa sống và chết

Cả ngày quay cuồng với hàng trăm bệnh nhân đang trên bờ vực của sự sống và cái chết. Có những lúc biết bệnh nhân đã chết vẫn phải cấp cứu, để nguôi ngoai sự đau xót của người thân.
Có những lúc cấp cứu cho bệnh nhân xăm trổ đầy mình bên cạnh mấy chục cái mồm “chợ búa” xoe xóe ngoài cửa đòi cứu người thân ngay lập tức… đó chỉ là một phần rất nhỏ, là phần nổi trong công việc vất vả bậc nhất của những y bác sĩ trực tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

“Mày không cấp cứu ngay, tao bắn!”

“Lần đó, tôi đang trực thì rầm rập, rầm rập một biển người ùa đến, phần lớn trong số đó là các tay anh chị, xăm trổ đầy mình, chửi rủa, đe dọa từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến y bác sĩ. Họ dẹp đường để đưa một người bị thương vì đâm chém vào viện. Đón bệnh nhân xong, 4, 5 bà phụ nữ sồn sồn, béo tốt, chỉ thẳng vào mặt tôi và hét: “Mày không cấp cứu nhanh, tao bắn! Tao bắn! Tao nhớ mặt mày rồi đấy! Bọn tao là dân anh chị phường Thành Công đây!”
Bác sĩ trải lòng về nghề: Quay cuồng giữa sống và chết - ảnh 1
Đầu bạc chăm đầu xanh
Một mặt, chúng tôi đưa bệnh nhân vào khu cách li để cấp cứu, một mặt điện thoại ngay lên công an phường đó để kiểm tra thông tin và được biết đúng là có một tay anh chị ở đây vừa mới bị thương thật. Kiểm tra là để lực lượng bảo vệ tăng cường bảo vệ vòng ngoài, tránh bị người nhà vượt rào xông vào làm náo loạn cả khoa cấp cứu” - Thạc sĩ, bác sĩ điều dưỡng Trần Văn Oánh, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức gấp gáp kể lại.

Ít ai ngờ, để đảm bảo cho khoa Cấp cứu hoạt động suôn sẻ, ngoài đội ngũ bảo vệ của bệnh viện, còn có cả công an phường và đôi khi công an thành phố Hà Nội cũng được huy động giữ trật tự. Ba vòng bảo vệ như vậy nhưng không có nghĩa các bác sĩ hết nguy hiểm.

Vòng 1 là khi điều dưỡng tiếp đón bệnh nhân. Nếu người nhà bệnh nhân đông, hung hãn và có nguy cơ cãi lộn, gây gổ, lực lượng bảo vệ sẽ tập kết lại để hỗ trợ. Nếu thấy mức độ phức tạp sẽ phải cho vào phòng cách ly đặc biệt, chỉ cho 1-2 người nhà vào, những trường hợp đó liên tục có bảo vệ đứng bên cạnh. Trường hợp thứ 3 nếu lực lượng bảo vệ không làm nổi sẽ gọi cho lực lượng công an phường, thậm chí công an thành phố đến hỗ trợ giải quyết.

Lý giải về sự bảo vệ nghiêm ngặt này, Bác sĩ Oánh cho biết: Người nhà không hiểu về sự nguy kịch của các bệnh nhân là khác nhau, nên ai cũng muốn người thân mình phải được cấp cứu ngay lập tức, đầu tiên. Có trường hợp không máu me nhưng nhìn là biết cái chết đang rất gần. Nhưng có trường hợp máu me đầy mình, ngất xỉu song chỉ là bị thương phần mềm. Chúng tôi phải ưu tiên bệnh nhân nặng, đảm bảo sự sống còn cho những người nguy kịch trước.

Bên cạnh sự nguy hiểm từ phía người nhà bệnh nhân, nhiều y bác sĩ đã bị phơi nhiễm HIV từ chính bệnh nhân và phải điều trị ARV. Điều dưỡng Trần Văn Oánh tâm sự, trong một lần lấy máu cho bệnh nhân nữ, điều dưỡng H đã bị bệnh nhân dùng 2 tay cào chảy máu.

Nguyên nhân là do bệnh nhân vừa dùng thuốc lắc tổng hợp và bị thương trên đường đi về. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng hoang tưởng nên khi có người lấy máu đã có hành động như vậy. Điều dưỡng H phải điều trị phơi nhiễm HIV sau khi có kết quả xét nghiệm máu có HIV của bệnh nhân.

Song, một sự nguy hiểm, xót xa nữa đến từ búa rìu dư luận xã hội. Không khó khi tìm trên mạng bây giờ, những thông tin về tai nạn nghề nghiệp của bác sĩ. Từ việc quên gạc, cắt nhầm thận, đến việc bác sĩ phụ khoa tụt quần khoe của quý trước bệnh nhân nữ… Chưa biết đúng sai như thế nào, nhưng sau hàng loạt bài báo, ít ai ngờ rằng, có những bác sĩ giỏi đã phải sống đời thực vật vì tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim vì sốc.

Một trong những trường hợp khiến chúng tôi lặng người khi nghe điều dưỡng trưởng, khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Xuân Vinh kể lại. Đó là trường hợp của bác sĩ Đoàn Thanh T. với sự cố quên gạc trong khi mổ.
Bác sĩ trải lòng về nghề: Quay cuồng giữa sống và chết - ảnh 2
Không lúc nào phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức vắng bóng bệnh nhân
Chia sẻ về sự cố đau lòng này, điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh xót xa nói: “Một bác sĩ với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông đã cứu sống hàng nghìn người và ông là người thầy thuốc rất có tài, có tâm và có đức. Nhưng chỉ vì sự khắc nghiệt của dư luận mà tất cả quay trở về con số không! Ca mổ kéo dài 7-8 tiếng, sự căng thẳng và mệt mỏi không phải người trong ngành mọi người sẽ không thể hiểu được. Thế mà chỉ vì 1 cái gạc đã khiến con người đó không thể đứng vững được. Ông đã bị nhồi máu cơ tim và sống thực vật từ bao nhiêu năm nay”.

Xã hội không công bằng với ngành y. Ngành nào cũng có sai số nhưng trong ngành y thì thật sự khủng khiếp. Họ có thể làm hàng nghìn việc tốt, chỉ cần 1 việc họ làm chưa tốt đủ để sụp đổ tất cả. Sự phán xét không nhiều chiều của dư luận đã khiến một bác sĩ giỏi không còn khả năng cứu người, mọi công sức, tâm huyết mấy chục năm của bác sĩ đã bị xóa sạch! – điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh lặng lẽ nói, như nói với chính mình, phải cẩn trọng, cẩn trọng hơn nữa.

Không dám kể cho ba má biết, sợ ba má lo

14 năm trong nghề, nhưng điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh không một lời chia sẻ về những khó khăn trong nghề với ba mẹ, người thân: “Có lúc qua một ca trực cấp cứu người mền như bún, không còn sức lực, tưởng chừng như gục luôn, bỏ ăn cả ngày hôm sau chỉ vì ngủ. Sự vất vả ấy không dám chia sẻ với bạn bè và gia đình. Ba má biết được họ sẽ không đồng ý với công việc như thế vì không bố mẹ nào muốn con làm công việc mệt mỏi, quá sức. Từ khi không phải trực đêm, gần 2 năm nay, tôi lên được 20kg”.

Mỗi ngày, phần lớn các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức ngủ rất ít. Bởi 6h30 họ đã phải đi buồng bệnh. Để có mặt vào giờ đó, họ phải dậy lúc 5h sáng soạn sửa, đến bệnh viện xem bệnh án. 8h tối họ mới được về nhà. Chưa hết, ngay từ thời sinh viên, các bác sĩ đã phải trực nên phải thức khuya. Hầu hết họ bị rối loạn giấc ngủ, ít ai ngủ trước 12h đêm, nếu không nói là 2-3h sáng mới ngủ.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là cường độ công việc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức lên tới 200, 300% so với người bình thường. Điều dưỡng Trần Văn Oánh cho biết: Theo quy định của nhà nước, thời gian làm việc là 46 tiếng/tuần nhưng đội ngũ y bác sĩ ở đây làm việc thường là 55-60 tiếng một tuần, luôn quá so với thời gian quy định của nhà nước từ 5-10%.
Bác sĩ trải lòng về nghề: Quay cuồng giữa sống và chết - ảnh 3
Y tá bóp bóng cứu bệnh nhân nguy kịch
Không chỉ vất vả hơn về thời gian mà cường độ ở đây dường như lúc nào cũng căng thẳng. Bệnh nhân đến đây “thượng vàng hạ cám”, từ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt đến đau ruột thừa, bỏng… Từ người già, trẻ em đến phụ nữ. Cứ cấp cứu là đưa vào khoa. Mỗi ngày, xấp xỉ 100 đến 150 ca, tập trung cao điểm từ 10h sáng đến 2,3h sáng hôm sau”.

Điều đáng sợ nhất đối với các điều dưỡng, y bác sĩ nơi đây chính là cùng một lúc nhập viện nhiều bệnh nhân nặng, từ khắp nơi đổ về. “Có khi, 5, 6 bệnh nhân tai nạn, hôn mê từ các bệnh viện khác chuyển lên tuyến cuối. Chúng tôi phải xếp 3 bệnh nhân thành hình rẽ quạt, chụm đầu vào 1 chỗ, rồi một y tá đứng bóp 1 lúc 3 bóng, hỗ trợ thở cho bệnh nhân, chờ đến lượt cấp cứu. Kinh nghiệm này không được dạy trong trường, mà qua thực tế làm việc căng thẳng, chúng tôi đã phải biến báo mà có” – Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh tâm sự.

Đối với điều dưỡng Oánh, thì ngày mùng 2 tết năm 2008 là một ngày không thể quên, kinh hoàng đối với kíp trực năm đó. Nếu như bình thường một ngày tầm 150 ca cấp cứu, chia cho 3 ca trực, thì trong dịp tết, để mọi người được nghỉ tết trọn 1 ngày, kíp trực đã trực 24h liên tục. Và cái ngày định mệnh đó, có tới 300 bệnh nhân nhập viện.

Người nặng được nằm giường, người nhẹ thì vịn tường mà đứng. Bệnh nhân nằm tràn ra cả hành lang, giường chen chúc 2 người cùng lúc. Kíp trực không có cả thời gian ăn bánh chưng, mứt, bánh kẹo. Ai nấy kiệt sức, tôi trở về và ngủ trọn ngày mùng 3 tết - Anh vừa nói vừa thở mạnh, giọng như cuốn đi cùng sự gấp gáp khi nhớ lại cái ngày hôm đó.

Song cũng có lúc, bên cạnh sự gấp gáp đó lại là những khoảng lặng đáng sợ, ám ảnh không kém. Đó là khi điều dưỡng Oánh tiếp nhận ca cấp cứu một bé trai 5 tuổi, được chuyển lên từ Ninh Bình. Người bố và con sau khi gặp nạn ở Ninh Bình, đứa con trai bị nặng hơn đã được chuyển tới bệnh viện tỉnh. Nhưng tại đây, các bác sĩ bó tay và kết luận bệnh nhân tử vong.

Không tin vào tai mình, không tin vào trình độ bác sĩ địa phương, người cha vật nài xin xe cấp cứu chạy lên Việt Đức. “Nhìn người bố lặng lẽ, mắt đau đáu, van xin các bác sĩ cứu con mình, cho dù người đứa trẻ đã lạnh, tím tái, chúng tôi cũng phải làm những biện pháp sơ cứu dù là không cần thiết. Người bố, có lẽ chỉ tin điều đó là sự thực khi chính các bác sĩ ở Việt Đức tuyên bố. Ông lặng lẽ ôm con mình trong vòng tay, trước sự bất lực của y bác sĩ”

Nếu được chọn lại, có chọn ngành y?

Sau khi nghe kể, và được chứng kiến cảnh làm việc căng thẳng của y bác sĩ nơi đây, chúng tôi không ngần ngại đặt câu hỏi: Nếu anh được chọn lại, anh có chọn ngành y nữa không? Anh có cho con cái mình nối nghiệp không? Thật ngạc nhiên, câu trả lời vẫn là Có! Bởi chẳng có gì thay thế được cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc khi cứu được bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, trở về với vòng tay người thân, gia đình, bạn bè.

“Với áp lực công việc như vậy nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn chọn ngành này và sau này vẫn muốn con theo ngành y. Bởi cái được trong ngành y thì không thể cân đo đong đếm. Cứu sống được con người, đó là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được.

“Thượng đế sinh ra tôi lần thứ nhất và bác sĩ là người sinh ra tôi lần thứ 2”, khi nghe bệnh nhân nói vậy thì mọi sự vất vả mệt nhọc đều tan biến và cảm giác hạnh phúc đó không thể diễn tả được!”. Bác sĩ Vinh tâm sự - “Không những thế, có một người làm ngành y, gia đình, người thân đều yên tâm hơn khi có một chỗ dựa về tinh thần, chỗ hỏi han về sức khỏe mỗi khi ốm đau. Tiền bạc và sức khỏe, chẳng phải là hai thứ quan trọng nhất của con người là gì?”

Làm việc không mong gì nhận được lời cảm ơn từ gia đình bệnh nhân, chỉ mong không nhận được sự than phiền trách móc là tốt rồi. “Ở khoa cấp cứu, hiếm khi chúng tôi nhận được lời cảm ơn. Bởi không khí ở đây rất khẩn trương. Khi bệnh nhân nặng gia đình xin về là lúc tâm trí họ rối bời. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chuyển sang khoa khác điều trị, bác sĩ trực tiếp điều trị mới là người họ bịn rịn và cảm ơn nhiều nhất.

Còn chúng tôi làm ở khoa cấp cứu, tất cả chỉ tập trung vào cứu người, bởi ở đây sự sống được tính bằng phút, bằng giây. Chẳng ai để ý đến việc cảm ơn ai cả. Nhưng điều này không làm chúng tôi buồn!” – Điều dưỡng Trần Văn Oánh nhoẻn cười khi chia tay chúng tôi, rồi anh vội vã bước lại một bệnh nhân mới đang chờ cấp cứu.
Lê Hiền – Nguyễn Lan

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Tác hại của đơn thuốc 'dày đặc' thuốc bổ

Các loại thuốc bổ được kê nhiều hơn thuốc điều trị đã vô hình gây tác hại cho người bệnh như tốn kém, dễ nhầm lẫn, dẫn đến quên hoặc bỏ thuốc.

Loại cá rẻ tiền có vô số tác dụng với sức khỏe

Cá diếc có nhiều giá trị dinh dưỡng, thịt thơm không tanh, tốt cho nhiều người kể cả bệnh nhân ung thư.

Mức hưởng bảo hiểm y tế của người dân thay đổi ra sao khi tăng lương cơ sở?

Khi mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, mức hưởng bảo hiểm y tế của người đi khám chữa bệnh có thay đổi.

Nhiều bệnh nhân đã được BHYT thanh toán hàng chục tỷ đồng

Nhiều bệnh nhân đã được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hàng chục tỷ đồng trong quá trình điều trị, đặc biệt là các bệnh hiếm.

Uống bao nhiêu cà phê để ngăn ngừa sỏi thận?

Bắt đầu mỗi ngày với 1-2 tách cà phê có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau bao gồm sỏi thận, bệnh tim, tiểu đường loại 2, một số loại ung thư.

Nhiều quý ông đi 'tút tát' nhan sắc, nâng ngực, độn mông

Dù không phải người nổi tiếng, nhiều quý ông cũng có nhu cầu "nâng cấp" nhan sắc gương mặt, nâng ngực, độn mông hay hút mỡ bụng, thậm chí một lần làm nhiều dịch vụ.

Ngày càng nhiều người bị đột quỵ, bác sĩ chỉ cách ăn để phòng ngừa

Ngoài một số yếu tố di truyền không thể thay đổi, đột quỵ còn do nhiều tác nhân khác như thói quen ăn uống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc.

Hai bà cháu tử vong không rõ nguyên nhân, 4 người cùng nhà có triệu chứng lạ

Sau 4 ngày người cháu 2 tuổi bất ngờ tử vong, bà nội cũng có dấu hiệu lạ rồi qua đời. Sở Y tế Bắc Kạn đã vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Hé lộ lý do bé trai giống bố nhưng xét nghiệm ADN không phải con ruột

Nghi vợ có tình nhân, người chồng âm thầm xét nghiệm ADN cho 3 con và nhận kết quả bất ngờ về đứa con đầu lòng giống với mình nhất.

Vụ bé 5 tuổi tử vong do ngộ độc: Kế hoạch dang dở của bố mẹ dành cho con

Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà cũ ở phường Xuân Hòa, TP Long Khánh (Đồng Nai) sau khi bé T.G.H. qua đời do ngộ độc bánh mì. Bố mẹ bé nước mắt tuôn rơi mỗi khi nhắc đến dự định mà giờ đây không thể thực hiện cho con được nữa.

Đang cập nhật dữ liệu !