Bác sĩ sản khoa ngày Tết và chuyện đi đẻ 2 năm
TS BS Nguyễn Hữu Trung – chuyên gia sản khoa tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ về những câu chuyện đêm giao thừa của bác sĩ sản khoa.
Giao thừa đi mổ
Thời khắc Giao thừa thường là lúc mọi gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên hoặc đi hái lộc, ngắm pháo hoa nhưng với người làm ngành y thì không bởi vì vào thời khắc thiêng liêng ấy họ đang túc trực tại bệnh viện, căng mình với những ca hộ sinh, giúp gia đình sản phụ “mẹ tròn, con vuông”, đón năm mới trong niềm vui trọn vẹn.
Các bác sĩ thường được chia lịch trực, có năm phải trực trong bệnh viện nhưng có năm trực thường trú. Cách đây 3,4 năm, TS Trung nhớ anh và gia đình vừa chuẩn bị xong mâm lễ cúng giao thừa. Điện thoại réo lên “Anh ơi vào mổ cho em, em không chịu được nữa rồi, đã mở 3 phân” – đó là lời của thai phụ đã được bác sĩ Trung thăm khám. Nhìn đồng hồ chỉ còn 5 phút nữa là bước qua thời khắc năm mới. Bác sĩ Trung lại vội vàng chạy bộ vào viện. Anh kể lúc đó nhà ở cách viện rất gần nên đi bộ cho nhanh.
Anh vào viện thăm khám qua và quyết định mổ luôn. Đúng thời khắc giao thừa pháo hoa rồi thư chúc Tết của chủ tịch nước là lúc bác sĩ và các điều dưỡng tất bật ca mổ đón một công dân mới.
Mọi người đều cười rôm rả, nói chuyện rồi lì xì cho bé trai ra đời trong khoảnh khắc đặc biệt. Sản phụ được khâu vết thương và đưa về phòng hồi sức. Bác sĩ lại vội vàng chạy về nhà. Bác sĩ Trung kể cảm xúc chỉ có 40 phút nhưng đó là khoảnh khắc của hai năm rất khó diễn tả. Bác sĩ vui mừng đi về xông đất chính nhà mình. Có lúc, các thành viên trong gia đình đều hiểu nghề nghiệp của nhau. Bà xã bác sĩ Trung cũng là bác sĩ sản khoa, họ làm khác bệnh viện và trong nghề cũng có lúc họ trải qua khoảnh khắc đó.
TS BS Nguyễn Hữu Trung và một ca mổ sinh. |
Với các y, bác sĩ, niềm vui của người bệnh cũng chính là niềm hạnh phúc của họ. Nếu người bệnh buồn, bác sĩ hẳn không thể vui. Thời điểm trực Tết, bên cạnh những niềm vui vỡ òa khi đón một đứa trẻ chào đời.
Mỗi ca sinh nở thành công đó là tiếng cười, niềm hạnh phúc.
Tuy nhiên, TS Trung tâm sự cũng có những ca mổ lại buồn man mát. TS Trung kể có năm anh đón giao thừa trong viện. Bà mẹ mang thai con thứ ba vào được bác sĩ Trung mổ. Người mẹ ấy không ngăn được hàng nước mắt khi nhìn thấy con của mình nhưng sau đó lại quay mặt đi. Bà mẹ này mang thai con thứ ba với niềm mong ước kiếm được mụn con trai để nối dõi tông đường. Khi đứa trẻ không phải là sự mong chờ của ba mẹ nó thì khoảnh khắc nó sinh ra là đêm giao thừa hay thời khắc nào thì cũng là điều không vui với ba mẹ.
Các bác sĩ nhân viên y tế lại là nhà tâm lý an ủi, động viên và mừng tuổi cho bé hay ăn chóng lớn.
Đi đẻ hai năm
BS Trung cho biết thông thường nhiều sản phụ họ kiêng đi đẻ “2 năm” nên họ sẽ mổ trước Tết khoảng 1 tuần. Những sản phụ muốn sinh con tự nhiên khi có cơn đau thì họ cũng như ngồi trên đống lửa thấp thỏm chờ giây phút sinh. BS Trung kể có sản phụ họ đòi mổ từ ngày 24 tháng Chạp. Bác sĩ Trung tư vấn thì cô gái trẻ mới đưa ra lý do là kiêng đầu năm đã nằm viện nên chỉ muốn đẻ trước Tết.
Cô gái được động viên, giải thích đã về nhà và đúng 10h đêm cả gia đình chuẩn bị đón giao thừa bà mẹ đó vỡ ối phải vào viện nhanh. Khi thấy vị bác sĩ đến, bà mẹ như gặp được cứu tinh lại với tay “BS ơi mổ cho em nhé, em không sợ đi đẻ 2 năm nữa rồi”. Lúc này, TS Trung chỉ cười đi đẻ 2 năm mới đáng nhớ.
TS Trung kể không ít ca đỡ đẻ, mổ đẻ của anh cũng kéo dài 2 năm. Có ca mổ bắt đầu từ 11h45 phút và kết thúc lúc 0h 30 phút. Khi ấy, họ lại vui vẻ cười với nhau hai năm mới mổ xong.
Các bác sĩ sẽ hết ca trực về nhà vào sáng Mồng 1. Nhiều người hồ hởi khoe chuyện tự xông đất nhà mình. Dù trải qua đêm trực nhiều cảm xúc, mệt cũng có, nhưng đều thấy rất vui.
Họ đã được đi qua giờ khắc chuyển giao năm cũ, năm mới với những tiếng khóc chào đời của con trẻ hòa chung niềm vui “mẹ tròn, con vuông” của bao sản phụ và gia đình được sát cánh chung vai cùng đồng nghiệp trong khoảnh khắc năm cũ qua, năm mới đến.
Khánh Chi