Bác sĩ phòng mổ 'gia cố' dao mổ để phẫu thuật
Trước "cơn bão" thiếu thuốc và vật tư y tế, các bác sĩ cho rằng cần mua sản phẩm dùng được chứ không phải mua giá rẻ nhất mà chất lượng tồi.
Ví dụ của TS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM về việc con dao mổ rạch 3 lần mới qua trong hội nghị trực tuyến ngày 21/8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đang rất được chú ý.
Từ thực tiễn những bất cập trong công tác đấu thầu thời gian qua, TS Nguyễn Tri Thức cho rằng bệnh viện mong muốn mua loại sản phẩm tốt giá hợp lý, không mua loại rẻ nhất mà chất lượng lại tồi.
Chia sẻ của TS BS Nguyễn Tri Thức nhận được nhiều ý kiến của các đồng nghiệp là y bác sĩ trong cả nước. Chia sẻ với Infonet, một bác sĩ công tác tại bệnh viện lớn ở TP.HCM cũng cho biết trong suốt thời gian qua không hiểu vì sao sau dịch bệnh các bệnh viện đều rơi vào cảnh thiếu thốn vật tư.
Vị bác sĩ cho biết dù anh công tác ở bệnh viện lớn, đôi khi rơi vào cảnh “gia cố” giao mổ. Một cuộc mổ phải sử dụng lưỡi dao mới, chuôi dao được hấp tiệt trùng sử dụng lại. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ cũng rơi vào cảnh thiếu như lưỡi dao mới lại không vừa chuôi dao. Bác sĩ phải sáng tạo thêm lấy kim, kim kẹp, buộc gia cố lại làm sao để mổ được cho người bệnh.
Dao kéo “cùn” đôi khi bác sĩ còn đùa nhau “để chờ mài” hoặc cùn quá họ tự lý giải “mở ra nên bị oxy hóa” nhưng thực chất oxy hóa hay không thì không ai biết được. Họ đều biết tình trạng thiếu vật tư những bất cập trong mua sắm nên cái gì cũng thiếu và chất lượng kém là điều đương nhiên.
Vị bác sĩ này chua xót “bác sĩ còn phải sử dụng gang tay hấp tiệt trùng lại”. Dù các bệnh viện luôn đặt ra chuyện "an toàn người bệnh" và luôn tìm cách thay đổi hay cập nhật quy trình nhằm làm an toàn người bệnh. Các phòng mổ được quảng cáo chất lượng quốc tế.
Tuy nhiên, người bệnh có được an toàn hay không, bản thân người phẫu thuật viên sẽ là người cảm nhận rõ nhất. Những thông số như dao mổ có mổ được không, đèn mổ có đủ sáng không, dụng cụ có đầy đủ không thì thật sự chỉ có bác sĩ phẫu thuật viên mới hiểu được.
Ảnh minh họa. |
Một bác sĩ cũng chia sẻ bản thân anh cũng gặp phải cảnh "dở khóc, dở cười" khi cầm dao rạch da để mổ cột sống cho bệnh nhân nhưng da dày và rạch 2, 3 lần mới được. Sau rạch da bác sĩ mới sử dụng dao điện để mổ cho bệnh nhân giúp cầm máu cho bệnh nhân.
Với bất cứ sản phẩm nào đều có quy luật tiền nào của đấy. Thiết bị, vật tư nào tốt thì người đã sử dụng nhiều loại, mới biết rõ ưu khuyết của nó.
Vì vậy, người mua sắm phải tôn trọng người sử dụng, nếu không, sẽ thất bại. Trong thương mại, người ta dùng khái niệm "giá tốt nhất" không ai dám dùng cụm từ "giá thấp nhất".
Không chỉ trong phòng mổ, câu chuyện thiếu thuốc cũng đang xảy ra trầm trọng. Có trường hợp bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn đưa vào BV Chợ Rẫy cấp cứu nhưng cả miền nam đều hết thuốc kháng nọc rắn cạp nia đơn dòng.
Bệnh nhân lại “vòng sang” bệnh viện Nhi đồng Thành phố để được sử dụng kháng nọc rắn cạp nong đa dòng. Trong đó, thành phần của thuốc này có chứa huyết thanh kháng rắn cạp nia.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA cho rằng, dao mổ là một dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để bác sĩ phẫu thuật chỉ cần sử dụng lực vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô thật “ngọt”.
Những đường rạch “ngọt” như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm, sưng sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa, thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ.
Trái lại, việc sử dụng dao mổ “cùn” sẽ buộc người bác sĩ phẫu thuật sử dụng lực nhiều hơn, một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó.
Do vậy, việc có con dao mổ đúng “chất lượng để phẫu thuật” là điều cơ bản và rất cần thiết, nó không những giúp giảm bớt stress cho bác sĩ phẫu thuật mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho người bệnh nhân và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế.
Khánh Chi