Bà Thái Anh Văn quyết gặp ông Trump bất chấp Trung Quốc phản đối?
Nhiều khả năng bà Thái sẽ gặp riêng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoặc các thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump khi quá cảnh tại Mỹ trong hành trình kéo dài 9 ngày tới thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador từ ngày 7/1 tới. Tuy nhiên, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ không để Nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh sau khi ông Trump và bà Thái tiến hành điện đàm hôm 2/12. Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
Tờ Guardian dẫn lời quan chức Ngoại giao Đài Loan, ông Javier Hou nhấn mạnh việc bà Thái quá cảnh tại Mỹ là hành động bình thường. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cũng đang sắp xếp lịch trình để bà Thái gặp gỡ các thành viên trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Song thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ cũng như thời gian quá cảnh ở Mỹ không được công bố.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. |
Những lời bình luận của ông Trump về việc Mỹ có nên duy trì quan điểm đối với chính sách "một Trung Quốc" vốn coi Đài Loan chỉ là một tỉnh tự trị, đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Trên thực tế, Mỹ cũng chưa bao giờ chính thức đón tiếp các quan chức Đài Loan.
Phát ngôn viên văn phòng của Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, ông Alex Huang khẳng định không có chuyện bà Thái chịu áp lực từ Trung Quốc mà hủy kế hoạch dừng chân tại Mỹ.
Song trong tuần này, một lần nữa Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc bà Thái và phái đoàn gồm 90 thành viên đặt chân tới Mỹ vào tháng tới. Bắc Kinh nhấn mạnh hành động của bà Thái sẽ là "dấu hiệu cho thấy Đài Loan muốn giành độc lập".
Cụ thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng bà Thái sẽ tận dụng sự kiện ghé thăm Mỹ để chứng minh quan điểm chính trị và ngoại giao phản đối Trung Quốc. "Tôi cho rằng mục đích chính của bà Thái khi quá cảnh tại Mỹ không cần phải giải thích thêm", bà Hoa nói.
Ban đầu, Trung Quốc cáo buộc bà Thái có ý định trao đổi trực tiếp với quan chức Mỹ dưới danh nghĩa điện đàm để chúc mừng ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11. Nhưng sau đó, Bắc Kinh đã có thêm lời lẽ đe dọa khi giới chức Trung Quốc khẳng định quyết bảo vệ "lợi ích cốt lõi" là hợp nhất Đài Loan vào đại lục.
Theo Guardian, bất cứ cuộc gặp nào giữa bà Thái với ông Trump hay các cố vấn của ông Trump cũng sẽ làm bùng phát căng thẳng chính trị ngay trước thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. Đây cũng có thể là mồi lửa làm bùng thêm căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung trong bối cảnh ông Trump đã có những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ chính sách thương mại, hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông và gần nhất là việc Hải quân Trung Quốc chiếm đoạt tàu lặn tự hành của Mỹ hôm 15/12.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng cường hoạt động quân sự trên không phận quốc tế gần Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh còn duy trì hàng ngàn tên lửa đặt tại eo biển Đài Loan. Truyền thông Trung Quốc thì kêu gọi chính phủ sẵn sàng sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực khi cần.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan càng trở nên sâu sắc khi trong tuần này hai quốc gia châu Phi là São Tomé và Príncipe quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để nghiêng về Bắc Kinh. Giới chức Đài Loan cáo buộc Trung Quốc đã dùng "ngoại giao USD" để tăng cường cô lập hòn đảo này.
Trong thời gian qua, Trung Quốc còn dần cắt đứt các mối quan hệ nước ngoài của Đài Loan đồng thời ngăn cản tư cách thành viên của Đài Loan trong các hội thảo quốc tế. Hiện tại, Đài Loan đang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 20 quốc gia mà chủ yếu là các nước nhỏ trông chờ khoản viện trợ phát triển từ Đài Bắc.
Để củng cố tinh thần đoàn kết, bà Thái nhấn mạnh trong cuộc họp với các thành viên đảng DPP cầm quyền hồi tuần này rằng: "Thời thế đang thay đổi, tinh thần đoàn kết quốc gia lại càng cần được củng cố để chống lại các lực lượng nước ngoài. Trung Quốc chưa bao giờ ngừng gây áp lực trước những nỗ lực thiết lập ngoại giao và tham gia các hội thảo quốc tế của Đài Loan".