Ba sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Nga
Ông Romain Herreros, một cây viết của báo Huffington Post cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có “một số quyết định sai lầm” khi quan điểm về Syria của nước này không rõ ràng, gây căng thẳng không cần thiết với Nga và khiến các nước đồng minh phương Tây không hài lòng.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới Syria vào cuối năm 2014. |
Ông Herreros cho rằng cả Nga và phương Tây đều không vui khi Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ mềm mỏng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như đối đầu với người Kurd, một trong những lực lượng mà phương Tây rất coi trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông dẫn ra ba sai lầm chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng với Nga và khiến cho nước này đứng trước nguy cơ cô lập về ngoại giao.
Bí mật hợp tác với IS
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bác bỏ các hoạt động mua bán dầu mỏ từ IS, nhưng cho đến nay đã có nhiều bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Ông Herreros nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã thu được những thông tin cho thấy các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức khủng bố đã thỏa thuận trực tiếp với nhau, sau một cuộc tấn công vào căn cứ của một thủ lĩnh IS tại Syria vào tháng 5 năm nay.
Vào ngày 2/12, Bộ Quốc phòng Nga cũng cung cấp nhiều bằng chứng, trong đó có ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy dầu được vận chuyển trái phép từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, một tướng cấp cao của Quân đội Syria Tự do nói rằng họ có trong tay những bản sao hợp động dầu mỏ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS.
Ông Herreros nói rằng, chưa nói đến vấn đề đạo đức, hoạt động này vẫn khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu của IS và khiến nước này rơi vào thế đối đầu với Moscow.
Bí mật đối đầu với Nga
Ông Herreros cho rằng lý do Ankara bí mật hợp tác với IS là bởi tổ chức này chiến đấu chống lại phe của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng người Kurd. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn Tổng thống Assad phải nhanh chóng từ chức và tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không ủng hộ ông Assad về lâu về dài.
Cây viết của báo Huffington Post gọi đây là lối suy nghĩ “bạn của kẻ thù là kẻ thù” và nói rằng nó đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế đối đầu với Nga. Hậu quả là các nước phương Tây dần mất lòng tin vào Ankara, trong khi đó quan hệ với Nga nhanh chóng đi xuống.
Giọt nước làm tràn ly
Những sai lầm trên khiến căng thẳng đang dần hâm nóng, và đến khi máy bay Nga bị bắn rơi, căng thẳng đã bùng nổ. Mặc dù Tổng thống Erdogan lấy lý do bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ ông không nhận ra được hậu quả của vụ việc này.
Trước mắt, khả năng hợp tác giữa Nga và Mỹ vẫn còn đang bỏ ngỏ. Còn về lau dài, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được coi là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực nữa, khi bị coi là đã “tiếp tay cho khủng bố”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.