Bà Merkel cần gì từ ông Trump?
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống đời thứ 45 của Mỹ, với trọng tâm thảo luận là các vấn đề nhập cư, hợp tác kinh tế, thương mại toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tờ Politico mới đây tiết lộ, tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump được tiến hành tại Washington vào hôm thứ Sáu (17/3), Thủ tướng Đức Angela Merkel nỗ lực để chứng minh với ông chủ Nhà Trắng rằng hai bên đều rất cần có nhau.
Tác giả bài viết Matthew Karnitshing lưu ý: "Đừng bận tâm tới chuyện đối đầu tại Phòng Bầu dục. Dù cho trước đấy bà Merkel từng đối xử với ông Trump thế nào thì bà ấy cũng đến Washington không phải để cãi nhau với ông ấy, mà là để kéo ông ấy về phía mình".
Tác giả cho rằng, Bà Thủ tướng sẽ vì lợi ích của đất nước mà sẵn sàng bỏ qua "thù oán cá nhân" sang một bên trong quan hệ với ông chủ mới của Nhà Trắng. Nhà báo Karnitshing khẳng định: "Một nhiệm vụ đặt ra trước mắt bà Merkel là: thức tỉnh ông Trump nhận thức đúng đắn về thực tế mà không phải đối đầu với ông ấy".
Ông Karnitshing cũng nhắc lại rằng trong chiến dịch tranh cử của mình, tỷ phú người Mỹ đã đưa ra những bình luận không hay về bà Merkel và chính sách di trú của bà. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên bà Thủ tướng cố gắng giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài, cho dù đó là cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bài báo lưu ý rằng, ban đầu bà Merkel và ông Trump đã định tổ chức gặp mặt khi tổng thống Mỹ đến châu Âu vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do bối cảnh quan hệ xuyên Đại tây dương gia tăng căng thẳng, nên bà Thủ tướng nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán cần phải diễn ra sớm hơn, và khi người đứng đầu Nhà Trắng mời bà đến Mỹ, chỉ một tuần sau đó bà đã sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này.
Mỹ vẫn là một đối tác quan trọng đối với Đức xét theo khía cạnh kinh tế và an ninh, và chính khía cạnh thứ hai có thể làm phát sinh sự khác biệt giữa Washington và Berlin. Bà Merkel dự kiến sẽ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của NATO và sự cần thiết phải đối đầu với "mối đe dọa Nga", trong khi quan điểm của ông Trump về những vấn đề này vẫn chưa rõ ràng. Thêm vào đó, ông đã từng ủng hộ cải thiện quan hệ với Moscow và chỉ trích một số thành viên của Liên minh bởi họ không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về khoản đóng góp 2% GDP để chi tiêu quốc phòng.
Politico nhận định rằng vấn đề chính gây bất đồng giữa ông Trump và bà Merkel là các vấn đề về người di cư và việc xây dựng một bức tường tại biên giới Mexico, đều chỉ là một phần trong chính sách nội bộ của cả hai nước, do đó nhiều khả năng sẽ không gây ảnh hưởng.
Trước đó, phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert khi công bố về chuyến thăm Washington của bà Merkel, đã gọi Mỹ là "đối tác xuyên Đại Tây dương quan trọng nhất và gần gũi nhất" của Đức, và các cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo là chuyện "bình thường và cần thiết".
Chính bà Merkel trước đó đã nói rằng mối quan hệ giữa các đồng minh trong NATO có "tầm quan trọng bao quát," và với lời tuyên bố này bà đã dự định tiến hành đàm phán với đối tác Mỹ của mình.