Bà mẹ sững sờ khi trẻ hàng xóm xông vào phòng ngủ làm điều vô phép
Khi bị góp ý về cách dạy con, người thì bảo “Trẻ con mà, kệ cho chúng nó thoải mái”, người cực đoan còn “cấm cửa" con rồi mặt nặng mày nhẹ.
Chị Đặng Huệ mới chuyển nhà về ở một khu chung cư. Vốn cha mẹ cùng độ tuổi nên bọn trẻ trong khu cũng sàn sàn bằng nhau.
Ban ngày người lớn đi làm nên cả khu yên ắng, chiều về, hành lang lại rộn rã tiếng trẻ nô đùa. Chạy nhảy chán ngoài hành lang, bọn trẻ lại rủ nhau vào nhà một đứa nào đó trong nhóm để chơi.
Chị Huệ ban đầu cũng thấy vui vì con mình được các bạn hàng xóm chào đón. Thế nhưng dần dà chị cảm thấy bất tiện, thậm chí khó chịu vì cách sống vô quy tắc ở đây mà bắt đầu từ thói quen dạy trẻ của người lớn.
Khi trẻ thích vào nhà ai là cứ thế mở cửa lao thẳng vào nhà mà không cần gõ cửa. Vào được nhà rồi thì chẳng cần hỏi, lôi đồ chơi ra bày khắp phòng, thậm chí xộc thẳng vào phòng ngủ của vợ chồng chị Huệ.
“Có hôm tôi vừa mới mua được hộp phấn mới, đi làm về để trên bàn phấn chưa kịp cất sâu vào ngăn tủ, thế mà bọn trẻ hàng xóm vào chơi chẳng biết làm thế nào mà hộp phấn vỡ tan tành, buộc phải bỏ”, chị Huệ than phiền.
Có lần chị Huệ ý tứ nhắc nhở bọn trẻ và góp ý với hàng xóm để cùng dạy con trẻ nhưng người thì bảo “Trẻ con mà, kệ cho chúng nó thoải mái”, người cực đoan còn “cấm cửa" con rồi mặt nặng mày nhẹ cho rằng chị Huệ ra vẻ sang chảnh.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ với nỗi ấm ức của chị Huệ, chuyên gia giáo dục độc lập, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, chúng ta cần đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư của người khác dù đó là bất kể ai.
“Tôn trọng quyền riêng tư ở đây thể hiện ở chỗ tôn trọng đồ vật cá nhân, tôn trọng cảm xúc của người khác, tôn trọng góc riêng.
Chúng ta thường biết rằng phòng ngủ là nơi riêng tư của mỗi cá nhân trong chính ngôi nhà của mình. Việc một người tự ý xông vào nơi riêng tư như vậy thể hiện sự xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Vì vậy, để thể hiện sự tôn trọng với người khác, bất kể ai cũng tuyệt đối không được xâm phạm sự riêng tư.
Đối với trẻ nhỏ cũng vậy. Các con cần nhận biết được đâu là của ai và tuyệt đối không động vào đồ dùng cá nhân hoặc phòng cá nhân khi chưa được sự cho phép của họ.
Nếu chúng ta bỏ qua hoặc không để ý dạy con điều này, các con sẽ gây ra rất nhiều bức xúc cho những người xung quanh. Trường hợp các con lớn lên một chút, các con sẽ hiểu lầm rằng việc xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác hoàn toàn là bình thường”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, việc các con tự ý lẻn vào phòng riêng của người khác còn tạo cho con suy nghĩ không giới hạn về đồ đạc của người khác.
Rất nhiều trẻ nhỏ vô tư sử dụng đồ của người trong gia đình, rồi rộng hơn là những người bạn bè mà bé tới chơi. Dần dà, bé hình thành suy nghĩ lấy đồ của người khác không sai.
“Thói ăn cắp vặt của trẻ nhỏ cũng có nguyên nhân đến từ việc này”, TS Vũ Thu Hương cho biết.
Còn một tính xấu nữa được hình thành từ thói quen không tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, đó là việc can thiệp thô bạo vào cuộc sống của người khác.
Nhiều cha mẹ đã lén lút đọc nhật kí của con để tìm hiểu các vấn đề riêng của con mà không biết chính họ đang xâm phạm vào quyền riêng tư của con mình. Bí mật đó sẽ sớm bị phát giác và những đứa trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Đồng thời, các con cũng sẽ nghĩ rằng không cần phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác và dễ dàng xâm phạm. Từ đó, chúng ta sẽ hình thành cho con mình thói quen rất xấu.
Vì vậy, việc tôn trọng quyền riêng tư của mọi người là điều chúng ta cần phải đảm bảo và phải giáo dục cho trẻ ngay từ khi các con còn bé.
“Xin phép trước khi đến nhà chơi, gõ cửa trước khi vào phòng, không động chạm tới đồ đạc của người khác, không can thiệp, góp ý vào những việc của người khác nếu không được đề nghị… là những việc chúng ta cần phải đảm bảo và cần dạy con từ sớm”, TS Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên.
Ông bố quát con "sao không biết đánh lại" và sự trả giá cho thói dạy con bằng bạo lực
Thấy con đứng khóc khi bị bạn giành xích đu, người bố liền quát “Đồ ngu, sao không biết đánh lại”, rồi túm áo cậu bé chơi cùng doạ "Không nhường bạn, tao bẻ gãy giò”.
N. Huyền