Avangard và Sarmat của Nga sẵn sàng gia nhập START để ‘chiều lòng’ Mỹ
Nga chính thức tuyên bố sẵn sàng đưa Avangard và Sarmat vào Hiệp ước START nhưng kiên quyết không đưa ngư lôi Poseidon và tên lửa Burevestnik vào phạm vi Hiệp ước này.
Theo báo cáo của Sputnik, Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga ông Vladimir Yermakov cho biết, Moscow đã tự nguyện đưa tên lửa siêu thanh Avangard vào "Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới" (còn được gọi là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn III - START-3).
Yermakov nói: "Mặc dù có nhiều vấn đề pháp lý, nhưng chúng tôi đã làm điều đó một cách thiện chí. Những vấn đề này còn đang đợi giải quyết, tuy nhiên chúng tôi sẽ xuất phát từ lợi ích của các bên để giải quyết vấn đề này một cách cởi mở".
Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga ông Vladimir Yermakov. Nguồn: Ifeng. |
Ngoại trưởng Nga Lavrov hồi giữa tháng 11/2020 tuyên bố rằng, Nga chuẩn bị đưa hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard và hệ thống tên lửa liên lục địa Sarmat vào Hiệp ước START, nhưng ngư lôi Poseidon (Status-6 Oceanic Multipurpose System), tên lửa hành trình động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik và một số vũ khí khác không nằm trong phạm vi tài liệu này.
Nguyên nhân Poseidon và Burevestnik không được đưa vào danh sách của START là do chúng không phải là các vũ khí hạt nhân chiến lược, trong khi Sarmat là một ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa, tức vũ khí hạt nhân chiến lược), còn Avangard thực tế được phóng từ ICBM UR-100UTTKh nên tính chất của nó không khác gì các đầu đạn hạt nhân.
Giai đoạn III của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược giữa Nga và Mỹ có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định rằng hai bên sẽ giảm số lượng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tài liệu này quy định về việc cả hai bên có nghĩa vụ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, sao cho bảy năm sau và thời kỳ tiếp theo tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng. Trong đó, số lượng bệ phóng đã triển khai không được vượt quá con số 700.
Mỹ và Nga chính thức hủy bỏ hiệp ước INF và hiện tại, Hiệp ước STAR-3 là Hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất hiện có giữa Nga và Mỹ, Hiệp ước sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Tính đến tháng 12/2020, Nga và Mỹ đã tiến hành 328 cuộc thanh sát các căn cứ tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom. Cả hai bên đã lập hơn 21 nghìn báo cáo về tình trạng của các loại vũ khí tấn công chiến lược.
Vào ngày 21/12, Tổng thống Putin nói rằng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ Washington về việc gia hạn Hiệp ước START-3, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021, nhưng Moscow sẽ cố gắng duy trì hiệp ước này vì an ninh của hai nước và hòa bình của thế giới.
Được biết, tên lửa RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng, có khả năng mang từ 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 15 đầu đạn hạng nhẹ có tải trọng tổng cộng 10 tấn thuốc nổ. Tên lửa này có khả năng đánh bại nhiều hệ thống phòng không hiện tại, khó bị đánh chặn. Có thông tin tên lửa RS-28 Sarmat có thể bay qua cả Nam Cực, được cho sẽ thay thế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M trong kho vũ khí của Nga.
Tên lửa siêu thanh Avangard có thể mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Sức công phá của một đầu đạn hạt nhân mà tên lửa Avangard mang theo tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ. Theo nhiều quan chức Nga, tên lửa Avangard “hoàn toàn không thể bị bất kỳ hệ thống phòng không nào làm tổn thương”.
Lính dù Nga làm được điều chưa từng có ở Bắc Cực
Nga đã chế tạo hệ thống dù “độc nhất vô nhị” trên thế giới, cho phép binh lính nhảy dù ở môi trường Bắc Cực, điều mà không một quốc gia nào làm được cho đến nay.
Đức Trí (lược dịch)