Australia bội hứa với Mỹ, gia nhập AIIB do Trung Quốc khởi xướng
Đại diện các nước tham gia lễ ký kết biên bản ghi nhớ gia nhập AIIB ngày 24/10/2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Văn phòng Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố, nước này tuy vẫn còn nhiều lo ngại về sự quản lý của ngân hàng nhưng cũng thừa nhận nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á.
Thông báo cho biết: “Ngày hôm nay, chính quyền thông báo về ý định ký kết biên bản ghi nhớ về Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, cho phép Australia tham gia với tư cách là một thành viên sáng lập có triển vọng trong các đàm phán để thành lập ngân hàng”.
Australia cũng bày tỏ ý muốn bảo đảm ban lãnh đạo sẽ có thẩm quyền trong các quyết định đầu tư quan trọng, và “không một đất nước nào” (ám chỉ Trung Quốc) có thể kiểm soát ngân hàng này.
Quyết định gia nhập ngân hàng AIIB là sự "trở mặt" của chính phủ Australia, trong khi đã cùng với Hàn Quốc đồng ý sát cánh với đề nghị của chính quyền Tổng thống Obama năm ngoái, rằng các đồng minh lớn ở châu Á sẽ tránh xa ngân hàng này.
Đầu tháng trước, Mỹ đã công khai chỉ trích Anh vì gia nhập AIIB, cho rằng đây là một dấu hiệu của “thỏa thuận” với Trung Quốc.
Nhưng không chỉ Anh, mà Pháp, Ý và Đức cũng đã tuyên bố gia nhập ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng. Và giờ là Australia - đất nước coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng đã chịu nhiều áp lực khi ra quyết định ký vào biên bản ghi nhớ.
Tuần trước, một đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc là Hàn Quốc cũng cho biết họ sẽ gia nhập AIIB.
Washington đã có phần dịu giọng hơn khi nhiều thành viên của nhóm các nền kinh tế lớn G20 đều gia nhập ngân hàng. Họ cũng tuyên bố sẽ khuyến khích Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức mới.
Sự tồn tại của AIIB là thất bại của WB cũng như ADB do Nhật Bản đứng đầu (trụ sở đặt tại Manila, Philippines) để bắt kịp các nhu cầu lớn về đường xá, giao thông và điện năng trong các khu vực lớn ở một châu Á đang phát triển nhanh chóng.
Nhật Bản - đối thủ lớn nhất của Trung Quốc tại châu Á, vẫn đang đứng ngoài ngân hàng AIIB dù Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso đã cho biết Tokyo sẽ cân nhắc tham gia đàm phán về tư cách hội viên.
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên ngày 28/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, ngân hàng mới sẽ là sự bổ sung cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế khác.
“Là một nước lớn đồng nghĩa với trọng trách phải gánh vác trong khu vực cũng lớn hơn và phản đối việc mưu cầu chiếm độc quyền hơn trong các vấn đề của khu vực và quốc tế”, ông Tập Cận Bình phát biểu.
Một trong những lý do phản đối chính của Washington đối với AIIB là sự lo ngại quyền lực của WB và IMF sẽ bị giảm đi - những tổ chức được thành lập từ Thế chiến thứ 2 do Mỹ đứng đầu.
Chính quyền Tổng thống Obama cũng bày tỏ lo ngại rằng với các ghi nhận trước đây của Trung Quốc về môi trường cũng như sự thiếu minh bạch, ngân hàng mới này sẽ không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các tổ chức hiện giờ. Tuy nhiên Trung Quốc cũng phản pháo rằng bộ máy quan liêu của WB và ADB đang cản trở đáp ứng nhu cầu của các tổ chức đó.
Đã có gần 40 quốc gia tuyên bố sẽ gia nhập AIIB và hạn chót mà Trung Quốc đặt ra là cuối tháng 3 này.
Ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng đã có nguồn vốn khoảng 50 tỷ - 100 tỷ USD và được hy vọng sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.