ASEAN và Trung Quốc cần 'nỗ lực gấp đôi' mới đạt được COC
Tờ Kyodo News (Nhật Bản) dẫn lời Eileen Baviera, giáo sư về Trung Quốc và quan hệ quốc tế của Trung tâm châu Á thuộc Đại học Philippines, cho rằng: “Điều hết sức quan trọng là làm sao để thỏa thuận đó hiệu quả hơn”.
Bà cho rằng, cho tới nay “các thỏa thuận hiện tại (về tranh chấp trên biển) chưa thực sự tỏ ra có hiệu quả”.
Các ngoại trưởng ASEAN và người đồng nhiệm từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc họp ASEAN cộng ba lần thứ 14 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. |
“Tôi cho rằng rõ ràng các bạn cần phải có các biện pháp phòng ngừa xung đột nào đó cụ thể, một thỏa thuận qui định chặt chẽ về mặt quân sự, về cách thức ứng xử khi gặp hải quân của các nước khác trên biển”, giáo sư Baviera nói. Bà cho rằng một bộ qui tắc ứng xử “phải giúp chỉ dẫn cho các nước khác nhau về hành vi như thế nào là có thể chấp nhận được”.
“Sẽ rất khó nếu mỗi quốc gia có các qui định hoặc chỉ dẫn của riêng mình. Điều đó sẽ dẫn đến sự đối đầu. Tôi nghị, chính bộ qui tắc ứng xử, chứ không phải cái gì khác, nên có các biện pháp phòng ngừa xung đột”, bà nói.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng sự đoàn kết thống nhất giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thương lượng với Trung Quốc về một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý.
Bốn trong số 6 bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là thành viên của ASEAN, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
“Chúng ta cần phải luôn đoàn kết. Đó sẽ luôn là sức mạnh của ASEAN. Nếu ASEAN đoàn kết thì chúng ta sẽ không có vấn đề gì. Nhưng ngay khi chúng ta bắt đầu “gọi món” cho tương lai của ASEAN, chọn lựa và nhặt “món” mà mình ưa thích, thì rắc rối bắt đầu nảy sinh”, ông Bandar Seri Begawan nói.
ASEAN và Trung Quốc sẽ một lần nữa cố gắng thảo ra một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc hơn nhằm giảm nguy cơ xung đột chủ quyền và hàng hải trên Biển Đông, một trong những vấn đề an ninh chính trị nghiêm trọng nhất ở châu Á.
Vào cuối thập kỷ 90, ASEAN và Trung Quốc đã thất bại trong việc tiến tới một bộ qui tắc ứng xử sau khi Trung Quốc chiếm và điều động quân sự đến bãi đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào năm 1995.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Trung Quốc vào tháng 10 năm 1998, ASEAN đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân sự trên bãi đá Vành Khăn và nhất trí thảo ra một bộ qui tắc ứng xử để ngăn chặn xung đột leo thang.
Năm 1999, với sự giúp đỡ của Việt Nam, Philippines đã thảo ra một bộ qui tắc ứng xử của ASEAN nhưng do bất đồng về vấn đề địa lý trên Biển Đông, các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí kí một văn bản “xuống nước” là Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình “mà không dùng lời lẽ đe dọa hay vũ lực, thể hiện sự kiềm chế tránh có những hành động làm phức tạp hóa tình hình và leo thang tranh chấp”.
Henry Bensurto, Tổng thư ký Ủy ban về các vấn đề hàng hải và đại dương của Bộ Ngoại giao Philippines, cho rằng Tuyên bố về ứng xử trên biển, một văn bản không có tính ràng buộc pháp lý, đã không thể ngăn Trung Quốc chiếm thêm các khu vực mới trên Biển Đông.
Ông cho rằng ngay cả khi các chỉ dẫn của bản tuyên bố được nhất trí và có hiệu lực vào năm 2010, căng thẳng trên Biển Đông vẫn chưa bao giờ giảm nhẹ mà “vẫn duy trì và còn leo thang hơn nữa”.
Theo ông Bensurto, vấn đề cốt lõi chính là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông theo cái mà nước này gọi là “Bản đồ 9 đoạn”. Ông lấy dẫn chứng là 1 năm sau đó, năm 2010, quân đội Trung Quốc quấy rối một tàu công vụ của Philippines và khẳng định chủ quyền đối với bãi Cỏ rong (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).
Tháng 4/2012, Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough cách đất liền Philippines 135 hải lý và cách Trung Quốc 543 hải lý.
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ sau cuộc đối đầu với hải quân Philippines và tháng 4/2012. |
Ông Bensurto dẫn chứng rằng vào tháng 6/2012, Trung Quốc thành lập cái mà nước này gọi là chính quyền “thành phố Tam Sa” trên Biển Đông và “Trung Quốc cũng ngày càng tăng các cuộc tuần tra trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền của mình”.
Trong tháng Năm vừa qua, Manila đã lên tiếng phản đối các tàu Trung Quốc xuất hiện tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tại các cuộc họp của ASEAN vừa diễn ra tại Brunei, lần đầu tiên Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tố cáo Trung Quốc đang “quân sự hóa” Biển Đông.
“Sự hiện diện liên tục và với số lượng lớn các tàu hải quân Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và quanh Bãi Cỏ Mây (thuộc chủ quyền Việt Nam), làm ảnh hưởng tới sự ổn định và an ninh khu vực”, ông del Rosario nói và cho biết thêm rằng Manila “quan ngại nghiêm trọng về tình trạng quân sự hóa Biển Đông”.
“Sự hiện diện trên qui mô lớn của các tàu Trung Quốc, bao gồm tàu quân sự và bán quân sự, cũng như những lời đe dọa của Trung Quốc đem đến thách thức nghiêm trọng đối với cả khu vực. Đây là hành động vi phạm (Tuyên bố ứng xử). Họ liên tục điều tàu đến khu vực đó theo những số lượng khác nhau. Và chúng tôi bị ngăn đánh bắt hải sản, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực thi luật pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của mình”, ông del Rosario nói.
Ông del Rosario nhấn mạnh rằng ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực gấp đôi để đạt tới một bộ qui tắc ứng xử mà cả hai bên có thể chấp nhận.
“Thương lượng và tiến tới một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc và đáng tin cậy phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ASEAN để xây dựng một hệ thống cấu trúc khu vực hoạt động thực sự dựa theo luật pháp”, ông nói.
Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cũng nhất trí với lập trường trên của ông del Rosario.
“Hiện đang xảy ra tình trạng vô chính phủ, có cảm giác rằng mọi người tự do hành động theo ý muốn và cố tình tạo ra các “sự đã rồi” trên cả các hòn đảo hay trên biển. Chúng ta cần loại bỏ những động cơ đó và “hạ nhiệt” tình hình. Các quốc gia không cần phải điều tàu tới chỗ này hay chỗ kia hay điều tàu quân sự hộ tống tàu cá, có những hành động thử thách hay khích động để giành lợi thế pháp lý”, ông Natalegawa nói.
Nhưng ông Natalegawa cảnh báo rằng một bộ qui tắc ứng xử “không phải là phép màu giúp giải quyết cuộc xung đột ẩn sâu, các cuộc tranh chấp về chủ quyền. Việc đó đòi hỏi các bên liên quan phải thương lượng với nhau”.