Anh sẽ trừng phạt các mạng xã hội như Facebook nếu không xóa bỏ nội dung bất hợp pháp
Dự luật của Bộ Nội vụ và Bộ Thể thao, Truyền thông, Văn hóa và Kỹ thuật số (DCMS) sẽ được công bố vào mùa đông năm nay. Theo đó, quy định khung dành cho các “tác động xấu đến cộng đồng” trên mạng được hình thành. Theo BuzzFeed News, cơ quan quản lý Internet có chức năng tương tự Ofcom, cơ quan đang quản lý phát thanh truyền hình, viễn thông và bưu chính. Hôm 18/9, Sharon White, người đứng đầu Ofcom, kêu gọi các hãng công nghệ phải bị quản lý tương tự như ngành viễn thông và di động.
Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid và Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Wright đang cân nhắc giới thiệu bộ quy tắc bắt buộc đối với các nền tảng mạng xã hội và các luật mới nghiêm khắc như thời gian gỡ bỏ, buộc các website phải xóa phát ngôn thù địch và bất hợp pháp trong một khoảng thời gian quy định nếu không sẽ bị phạt. Các bộ trưởng cũng muốn bổ sung xác minh độ tuổi cho Facebook, Twitter và Instagram.
Cơ quan quản lý sẽ có quyền trừng phạt các nền tảng mạng xã hội không xóa bỏ nội dung khủng bố, hình ảnh lạm dụng trẻ em, phát ngôn thù địch cũng như thực thi các quy định mới liên quan đến nội dung hợp pháp và hành vi trên mạng.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng được cho là đang nghiên cứu luật mới dành cho quảng cáo trực tuyến. Các quyền hạn bao gồm gỡ bỏ những quảng cáo trên mạng về thực phẩm và đồ uống có hàm lượng muối, chất béo hay đường cao. Hiện tại, quảng cáo trực tuyến đang được quản lý bởi Cơ quan Thẩm định tiêu chuẩn quảng cáo.
Nguồn tin của BuzzFeed News cho hay chính phủ không hài lòng trước việc ngành công nghiệp không tự nguyện hành động để khuyến khích an toàn trên môi trường mạng, khiến họ phải theo đuổi cách tiếp cận bắt buộc. Matt Hancock, cựu Bộ trưởng Văn hóa, từng mời 14 hãng công nghệ đến thảo luận về an toàn trên mạng hồi đầu năm nhưng chỉ có 4 công ty có mặt.
Các Bộ trưởng kết luận rằng cách tiếp cận tự nguyện chỉ đạt được với một vài “ông lớn” công nghệ về các vấn đề cụ thể như nội dung khủng bố. Luật mới yêu cầu các nền tảng mạng xã hội vừa và nhỏ phải có hành động trước nhiều loại nội dung hơn. Nó bao gồm giới thiẹu khung luật pháp mới cho an toàn Internet và tăng trách nhiệm pháp lý đối với các trang cung cấp nền tảng cho nội dung phi pháp.
Các công ty mạng xã hội sẽ phải đăng ký bộ quy tắc và yêu cầu mới để hỗ trợ cảnh sát điều tra hành vi tội phạm trên mạng. Chính phủ cũng nghiên cứu quy định được Đức thông qua năm 2017, trong đó yêu cầu nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ phát ngôn thù địch trong 24 tiếng nếu không sẽ đối mặt với tiền phạt lên tới 50 triệu EUR.
Chính phủ Anh muốn các nền tảng mạng xã hội thêm công cụ xác minh độ tuổi sau khi các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc trẻ em hiện tại chỉ cần phải đánh dấu vào ô nói rằng họ trên 13 tuổi là xong.
Dự luật mới về quản lý tác hại của mạng xã hội khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng buộc các doanh nghiệp ngoại quốc chịu trách nhiệm trước nội dung mà người dùng đăng trên nền tảng của chính phủ hay phát ngôn thù địch sẽ bị trừng phạt thế nào, làm thế nào để xác định nội dung nào là không phạm pháp.
Phát ngôn viên chính phủ xác nhận với BuzzFeed News kế hoạch sẽ được tiết lộ cuối năm 2018. “Mùa đông này, chúng tôi sẽ ra mắt Sách Trắng, đặt ra luật mới nhằm xử lý toàn diện các tác hại trên mạng và vạch ra trách nhiệm rõ ràng cho các hãng công nghệ để bảo đảm an toàn cho công dân Anh. Chúng tôi cân nhắc mọi phương án, bao gồm cả luật nào là cần thiết và có cần cơ quan quản lý hay không”.