Anh – Nga: Syria cần có thỏa thuận ngừng bắn
Anh – Nga: Syria cần có thỏa thuận ngừng bắn
Liên đoàn Ả rập muốn cùng Liên Hợp Quốc gửi phái đoàn chung đến Syria
Dân Syria đội mưa đón chào Ngoại trưởng Nga
Mỹ rút toàn bộ nhân viên ngoại giao, đóng cửa đại sứ quán ở Syria
![]() |
Hôm qua 13/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã họp về cuộc khủng hoảng Syria. |
Chính quyền Anh cho biết sẽ thảo luận với Liên đoàn Ả rập về việc cử một phái đoàn quan sát đến Syria sau khi Liên đoàn đưa ra đề xuất này, nhưng với điều kiện là chính phủ Syria trước hết phải dừng “hành động bạo lực chống lại các công dân”, rút lui các lực lượng của mình và thiết lập “một thỏa thuận ngừng bắn đáng tin cậy”.
Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, nói rằng ông ủng hộ một phái đoàn quan sát chung không có vũ trang nhưng cũng cho rằng các hành động thù địch phải chấm dứt trước khi lực lượng này được điều động.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu rằng: “Có rất nhiều vấn đề cần phải được thảo luận để tìm ra cách thức giúp các đề xuất có hiệu lực. Và tất nhiên, đề nghị cử lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ cần phải có sự tán thành và đồng thuận”.
Trước đó, Liên đoàn Ả rập đã đề xuất gửi một phái đoàn quan sát chung đến Syria và kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp đỡ. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã từ chối đề xuất trên của Liên đoàn về lực lượng gìn giữ hòa bình vào.
Liên đoàn cũng kêu gọi các nước Ả rập tăng cường ủng hộ lực lượng đối lập đồng thời cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao với chính quyền.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra hôm qua , bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền cho biết văn phòng của bà chưa thể cập nhật số người thiệt mạng ở Syria mà chỉ xác định được là 5.400 người. Tuy nhiên, theo bà, số người thiệt mạng do cuộc đàn áp của chính quyền Tổng thống Assad gây nên chắc là cao hơn. Mà Pillay cho hay 25.000 người Syria đã bỏ chạy khỏi đất nước và hơn 70.000 người đã phải di dời chỗ ở.
“Hàng chục nghìn người, trong đó có trẻ em, đã bị bắt giữ, với hơn 18.000 người được cho là vẫn bị giam giữ không lí do. Ngoài ra, còn hàng nghìn người nữa được cho là đã mất tích”, bà nói và tiếp tục kêu gọi truy tố các nhà lãnh đạo Syria tại Tòa án Hình sự quốc tế vì tội ác chống lại loài người.
Lên tiếng sau bài phát biểu của bà Pillay, Đại sứ Syria ở Liên Hợp Quốc, Bashar Ja'afari, cho rằng bà Pillay đã bỏ qua các vụ đánh bom liều chết do Al Qaeda tiến hành tại Syria. Ông đổ lỗi cho Qatar và Ả rập Xê út về các vụ đánh bom đó và các lệnh cấm vận mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Syria.
“Cao ủy nói về tình trạng bi thương diễn ra với nhân dân Syria. Điều này là đúng. Tuy nhiên, bà đã quên nói về những nguyên nhân thực sự của tình trạng đó. Bà đã phát biểu như là chưa hề nghe về các lệnh cấm vận này vậy”, ông Ja'afari nói.
Lê Dung