Anh ‘kiêu ngạo’ đẩy EU vào cảnh “chia năm xẻ bảy”?
Trong bài viết mới đây của mình, tờ L’Express có bài phân tích về chủ đề này với tiêu đề “Lối ra ở đây: David Cameron muốn đoạn tuyệt với EU”.
Tờ báo cho rằng qua trường hợp của Anh, ta thấy có thêm bằng chứng về sự chia rẽ sâu sắc trong lòng EU và tạo thêm lí do cho các nước chán nản khối này. Không chỉ bản thân Thủ tướng Anh, David Cameron, có lập trường “không thích EU” mà ngay cả đảng cầm quyền của ông cũng ra sức vận động một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở trong khối EU. L’Express nhận định ông David Cameron đang điều hành một chính phủ “bài EU” mạnh nhất trong lịch sử Anh.
L’Express bình luận, mỗi ngày trôi qua, hố sâu ngăn cách Anh và EU càng lớn. Anh từng bác bỏ việc thành lập cơ chế bình ổn tài chính châu Âu và từng chối thẳng thừng việc cứu khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone). Anh cũng vừa từ bỏ một trong những nền móng của thị trường chung Châu Âu.
Tờ báo nhắc lại thị trường chung châu Âu ra đời với mục đích là giúp đỡ các nước mới gia nhập, những khu vực nghèo khó để họ có thể theo kịp tốc độ phát triển chung của cả khối. Như vậy, trong thị trường chung này, các nước phải đồng thanh tương ứng, “chị ngã em nâng”để cùng tiến lên. Thế mà Thủ tướng Anh Cameron đã đặt vấn đề về phần đóng góp của EU cho khoản giúp đỡ này và như vậy đã làm phương hại đến một trong những yếu tố cốt lõi của quá trình xây dựng EU.
Trong bối cảnh EU khó khăn, thị trường chung châu Âu thì chiếm gần phân nửa lượng xuất khẩu của Anh, nước Anh đang ra sức bảo vệ lợi ích của mình trong thị trường này. Với bối cảnh hiện tại, theo logic thì Anh tỏ ra “kiêu ngạo” để gây khó dễ cho các nước khác nhằm củng cố ảnh hưởng của mình.
Những rạn nứt trong lòng EU đã đến mức "không thể cứu vãn nổi"? |
L’Express nhấn mạnh hiện tại EU đang đối mặt với hai dòng lập trường, một theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cho cả châu Âu với việc đề nghị một ngân sách chung phải vượt mức hiện tại; dòng kia muốn duy trì một khu vực tự do thương mại to lớn với ít sự ràng buộc. Thêm vào đó, châu Âu lại đang bị chia rẽ giữa một bên là Eurozone với 17 nước thành viên và một bên là các nước EU không thuộc khu vực này mà phải chịu khổ sở vì khủng hoảng, chủ yếu đến từ Eurozone.