Anh kích hoạt Điều 50, bắt đầu chia tay EU
Phần đông người dân nước Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rút khỏi EU trong một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi diễn ra vào tháng 6 năm ngoái. Một khi Thủ tướng Anh chính thức thông báo với châu Âu rằng họ sẽ kích hoạt Điều 50, quá trình tách khỏi Liên minh sẽ chính thức bắt đầu.
Bà Theresa May chính thức ký quyết định kích hoạt Điều 50, qua đó bắt đầu quá trình rời khỏi EU của Anh. |
Dự kiến ông Tim Barrow, đại diện thường trực của Anh tại EU, sẽ gửi thư thông báo cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk về việc Anh đã kích hoạt Điều 50 vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 29/3 (tức 6 giờ 30 phú tối theo giờ Việt Nam). Trước đó một ngày, một tấm ảnh cho thấy bà May đã ký vào văn bản này.
Cũng trong ngày 29/3, bà May sẽ có mặt tại Hạ viện Anh để tuyên bố rằng quá trình Brexit đã chính thức bắt đầu. Dự kiến quá trình tách khỏi EU sẽ kéo dài trong vòng hai năm, trong thời gian này Anh và EU sẽ liên tục đàm phán để xác định những điều kiện để Anh có thể rời khỏi Liên minh, đồng thời thiết lập mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
Nếu hai bên không thống nhất được một thỏa thuận nào, Anh sẽ tự động tách khỏi liên minh vào ngày 29/03/2019, hai năm kể từ ngày Điều 50 được kích hoạt.
Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Anh, Thủ tướng May sẽ kêu gọi người dân Anh vốn bị chia rẽ sau cuộc trưng cầu dân ý hãy xích lại gần nhau và khẳng định “chúng ta phải dùng quyết tâm của mình để chứng minh rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý là một thành công”.
Bà May cũng sẽ thề “đại diện cho tất cả những người dân trên toàn Vương quốc Anh, từ già tới trẻ, từ giàu tới nghèo, tại các thành phố, thị trấn, miền quê và những vùng hẻo lánh. Và cả những công dân châu Âu đã coi nước Anh là nhà”.
Bà cũng nói rằng bà quyết tâm tạo nên “một nước Anh có tầm ảnh hưởng toàn cầu luôn chủ động xây dựng quan hệ với những đối tác cũ và mới trên toàn thế giới”.
Cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU đã khiến nước Anh bị chia rẽ trầm trọng, khi những người bỏ phiếu ủng hộ ở lại liên minh phần lớn đều ở London, Scotland và Bắc Ireland, trong khi phe ủng hộ rời EU thì chủ yếu là người xứ Wales và các khu vực khác ở Anh.
Nhiều người lo ngại rằng Brexit có thể sẽ dẫn đến sự tan rã của Vương quốc Anh. Các nghị sĩ Scotland mới đây đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, bởi tỉ lệ người dân bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU áp đảo số người muốn rời bỏ liên minh. Tuy nhiên bà May cho biết bà sẽ từ chối đề nghị này.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk dự kiến sẽ có một bài phát biểu ngắn sau khi nhận được thư của bà May, nhiều khả năng là vào ngày 31/3. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ phát biểu về Brexit trong chiều hoặc tối ngày 29/3.
Bà May đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với bà Merkel, ông Tusk và ông Juncker vào ngày 28/3. Theo một phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh, cả bốn người “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc quay trở lại bàn đàm phán với một tinh thần lạc quan và mang tính xây dựng, đảm bảo quá trình tách khỏi liên minh được diễn ra suôn sẻ”.
“Họ cũng đồng ý rằng EU phải giữ nguyên là một liên minh vững mạnh, và rằng Anh vẫn sẽ là một đồng minh thân cận với EU”, phát ngôn viên này nói thêm.